TRẬN CẦU QUỐC TẾ ĐẦU ĐỜI!
Đá banh! Đá banh… trẻ con Việt Nam ai mà không biết, tôi cũng thế…Tôi dẫm nát sân bóng Phú Hòa, sân bóng Thượng Tứ, sân bóng Lửa Hồng…Nói dẩm nát, không có nghĩa là tôi đá hay, đá nhiều…nhưng lại xem người ta đá nhiều trận. Khi những đôi giày của các cầu thủ chạy băng băng trên sân cỏ…mắt tôi cũng đã dẩm nát sân cỏ rồi!
Sân bóng Phú Hòa nằm cạnh đường Trần Hưng Đạo, trước rạp Ciné Tân Tâ. Đàng này là chợ Đông Ba, đàng kia là sân tennis, sát cạnh cầu Tràng Tiền…
Sân bóng Thượng Tứ và sân Lưả Hồng thì ở trong Thành Nội. Qua khỏi cửa Thượng Tứ, rẽ trái vào con đường lát đá dọc theo bờ thành, hai hàng mù u xanh thắm…bên cạnh ấy là sân bóng Thượng Tứ, nằm đối diện với Trường Hàm Nghi…Sân bóng Lửa Hồng thì phải đi xa thêm một chút trên con đường dọc theo đại nội giữa hai hàng phượng ngập hoa vào những mùa Hè oi ả của xứ Huế…
Nói như thế, không có nghĩa là Huế của tôi chỉ có ba sân bóng đá, mà đó là ba sân tôi thường đá bóng…Tôi đá không hay, nhưng lại hay đá. Xóm Thượng Tứ chúng tôi có bọn thằng Nghi, thằng Tảo thằng Lu đá hay tuyệt…bọn chứng lừa banh thần sầu quỉ khốc…mỗi khi tôi được bóng, tôi giao cho chúng, chúng khen tôi đá hay…nếu tôi lở lừa một vài đường lã lướt , bọn chúng lại kêu tôi đá dở ẹt…cho nên muốn được khen hay, mỗi lần tranh được quả bóng nào thì tôi lại giao cho chúng ngay và xách xe …chạy không!
Tôi đá dở ẹt ở Huế, nhưng mỗi lần về quê, tôi lại là đứa đá hay nhất…Quê tôi sau mùa gặt, có lắm lúc rạ vẫn chưa cắt, mặt đất lồi lỏm, nứt nẽ ,những trái bưởi được lùi trong bếp trấu đem ra làm bóng…thế mà vẫn có những trận đá bóng tuyệt vời cho đám trẻ nghèo nàn nơi đồng nội!
Mơ ước khi lớn tôi lớn lên được đá cho một hội nào đó, được đi đá tranh giải, bất kì giải gì! đó là mơ ước lớn nhất của tôi sau mỗi lần mệt nhoài trên sân bóng. Tôi thích những cầu thủ mang áo, mang giày ra sân, với tôi, họ là những anh hùng trên sân cỏ…
Xong Tiểu học, tôi được vào trường Nguyễn Tri Phương, ở đó tôi có dịp làm quen với sân vận động Bão Long qua những giờ tập thể dục. Hôm đầu tiên ấy, dọc theo con đường Nguyễn Thái Học dẫn đến sân vận động hai hàng muối già đang trổ lá mới, rau muống dưới ruộng cũng đang bắt đầu đâm chồi…mùa Xuân đang rộn ràng quanh quẩn đâu đây,như lòng tôi cũng đang rộn ràng sắp được xem một công trình vĩ đại. Bẽ bàng thay…hôm ấy sân vận động đóng cửa để chuẩn bị cho hai trận cầu Quốc Tế vào cuối tuần. Trong cái bẽ bàng ấy lòng tôi lại dấy lên một niềm vui sướng, một ước ao và hi vọng!
Đó là những ngày gần Tết, người người nô nức xuôi ngược kiếm miếng cơm manh áo, anh xích lô, chị hàng rong ai ai cũng bận rộn…nhưng khoảnh khắc rảnh rổi, họ cũng không quên bàn bạc về hội cầu da trắng đầu tiên đến Huế: Đội Áo! Đối với dân mình, đội banh nầy đến từ nước Áo bên Âu Châu thì mình cứ gọi là đội Áo, chứ thật ra đây là đội banh của Câu lạc Bộ Thể Thao của thành phố Vienne, Đội bong không thuộc loại nhà nghề, bao gồm hai mươi cầu thủ trẻ, hầu hết là Sinh viên đại học. Nhân chuyến du hành Đông Á họ ghé chơi hai trận ở cái thành phố xa xôi và cổ kính này. Một thành phố mà họ đã nghĩ rằng con sông Hương Giang còn đẹp hơn cả sông Danube Bleu
Chiều ngày mồng bốn tháng hai năm 1956, họ đá trận đầu tiên với đội tuyển Huế. Huế mình có hai đội rất mạnh : đó là đội Cảnh Sát và đội Bảo An. Nói là đội tuyển Huế, nhưng không có nhiều thời gian để tập luyện chung. Đội tuyển Huế có cặp Hậu vệ Lợi Anh và Thảng, cọng với Trung ứng Lợi Em vừa công vừa thủ với cú đánhh đầu xuất sắc nhất Huế!
Chiều hôm ấy, tôi, thằng Trà và thằng Đức vượt cầu Tràng Tiền oai dủng tiến về sân vận động…nao nức thì nao nức thiệt: đây là lần đầu tiên tôi thấy cái sân vận động mà tôi nghĩ chắc là rất hùng tráng và đây cũng là lần đầu tiên được xem một trận bóng đá với người ngoại quốc! mà cũng vì quá nao nức nên quên hẵn cái băng khoăn là làm sao để vào được trong sân vận động. Dĩ nhiên chúng tôi không có tiền mua vé… Qua khỏi cầu Tràng Tiền, rẽ trái, ở đó là lao xá Thừa Thiên, ở đó họ giam giữ những người Việt Nam theo phong trào Việt Minh…Những thằng Tây mũi lõ, Tây đen trông phát khiếp…ba chúng tôi cúi đầu bước đi như gió…có lẽ chúng tôi sợ Tây? Bên ngoài sân vận động người đông đảo, tiếng ồn ào từ bên trong vọng ra không ngớt; không hiểu là trận mở màn đang diễn ra hay đang đua xe đạp?. Ba chúng tôi nhìn nhau : Thằng Trà , học sau tôi một năm, hắn là thủ môn của đội bong nhóc con nhóm Thượng Tứ chúng tôi, hắn bắt banh dính như mũ mít, Thằng Đức thì to con hơn, nhưng đá banh dở ẹt . Ba của Đức gác vé ở ciné Tân Tân, bỡi vậy tôi và thằng Đức thường được coi ciné cọp!
Thằng Trà nhanh nhẩu:
– Tìm lỗ chó!
Thế là cả ba đứa bỏ đường cái nhào xuống đám ruộng bên vệ đường, không lâu, thằng Trà kiếm được cái lỗ chó sau bụi ngái, ba đứa ra hiệu im lặng ngồi chờ…tiếng la hét, tiếng vỗ tay vọng ra làm cho tôi cầm lòng không đậu, phanh thép gai chui vào. Vừa đứng lên, trân trân nhìn vào cái lỗ chó, một tay phủi áo, một tay ngoắc thằng Trà.Một tiềng hét lớn làm tôi giật mình ngoảnh mặt lại thì nghe ngay cái ” bốp “, tôi chúi người xuống đám cỏ tranh dày thịch. Người cảnh sát viên chưa kịp lôi tôi đứng dậy thì thằng Trà nhanh nhẹn chui vao, vừa lọt lỗ chó hắn la lên:
– Chạy mau mi ơi! chạy mau!
Người Cảnh sát bỏ tôi đuổi theo thằng Trà, tôi mừng quá bỏ chạy một mạch ngoảnh cổ nhìn lại thì thấy thằng Đức đang chui vào, áo hắn dính vào kẻm gai, tôi định quay lại thì hắn khoác tay ra hiệu chạy đi…
Vừa đến gần khán đài chính, toàn diện sân vận động hiện ra trước mắt tôi, đồ sộ, hùng vĩ…Sân vận động hình bầu dục, chung quanh xây bằng xi măng, hai đầu có độ dốc cở chừng bốn mươi lăm độ, phần giữa hai phía đều phẳng; tôi thầm nghĩ ” có lẽ khi đua xe đạp, các tay đua đạp nước rút , qua mặt nhau ở phần giữa này! “. Chung quanh sân, người đâu là người, ngồi chật ních, bỡi có lẽ phần đua xe đạp đã xong…Mỗi lần có những trận đá bóng giữa các đội Huế với các thành phố khác, thường có cuộc đua xe đạp để giúp vui, điều này gần như một thông lệ. Ngoài sân, trận đá mở màn vừa chấm dứt, sau tiếng còi tan trận, khán giả lại nhích thêm ra nữa, tôi chen chúc mãi mới lên được hàng đầu giữa sân, ngồi chồm hổm gần sát lằn vôi, lúc bấy giờ tôi mới có thời gian nhìn quanh tìm thằng Trà và thằng Đức nhưng chẳng thấy chúng ở nơi đâu…Sân cỏ vừa mới cắt thẳng tắp, lằn vôi trắng toát, nổi bật trên nền cỏ xanh xao sau đợt mưa phùn dài cà tháng, may mắn hôm nay trời quang đảng…
Sau lời giới thiệu, Trọng tài Tuất bệ vệ trong bộ áo quần trọng tài màu đen dẫn hai đội bóng ra sân…cả sân vận động im lặng hình như mọi người đang nín thở, tôi ngoác mắt nhìn mười một cầu thủ trẻ của đội Áo, ngưới nào người nấy dong dỏng cao , tóc vàng khè trong bộ đồng phục màu trắng trông họ như những thiên thần. Hội nhà trong màu xanh đậm, số trắng, hai anh em Lợi Anh và Lợi Em cao hơn cả.
Trận đấu khởi đi nhẹ nhàng,cả hai hội đều dùng chiến thuật WM hội khách lên bóng chậm rải, có lúc giao bóng thật dài như để dò dẫm độ chạy của hội nhà, có khi giao bóng ngắn để tránh những cú đá sát phạt của Thản và Lợi Anh…Cả hội trường la hét inh ỏi khi ta lên banh, hội nhà chuyền banh bổng để dùng lợi thế những cú đánh đầu của Lợi Em, nhưng bóng chưa một lần vào được vòng cấm địa!
Sau chừng mười phút dò dẫm, hội khách mở bóng rộng bên cánh trái, tả biên dẫn sâu rồi tạt bóng vào giữa, người trung phong số 10 nhận bóng , dùng lối nhồi bóng điêu luyện lách qua Lợi Anh và sút… cả hội trường im lặng như nghe được tiếng thở của nhau …bóng chỉ cao quá sà ngang trong gang tất…. Không đầy hai phút sau, bộ ba mang số 9, 10 và 11 lên banh thần tốc, chuyền bóng ngắn, trong nháy mắt qua hết hàng trung vệ và hậu vệ của ta và nhẹ nhàng đưa bóng vào khung thành. Anh số 10 chạy theo nhặt bóng trao lại cho thủ môn hội nhà giữa tiếng hoan hô của hết thảy quần chúng…Hội nhà vùng lên phản công nhưng lối chuyền bóng cao không thể qua được hàng hậu vệ của hội khách vì cầu thủ của họ hầu hết cao hơn cầu thủ của mình …tội cứ mãi lẩm nhẩm một mình…đá banh sà…đá banh sà…
Khi hội nhà nóng lòng muồn gở, lên quá cao thì hội khách lại chuyền bóng dài, với sức chạy thần tốc, họ làm bàn dễ dàng. Hiệp đầu hội nhà bị dẩn trước 2-0.
Vào hiệp hai, hội nhà thay đổi chiến thuật, chuyền bóng ngắn, nhưng sức bật bóng không chính xác nên thường lên được nửa sân là mất bóng, trong lúc hội khách chơi cầm chừng, người thủ môn hầu như không có công việc để làm họa hoằn lắm là bắt những quả bóng được trả ngược lại từ cầu thủ của hội mình. Cầu trường la hét inh ỏi để cổ võ cho hội nhà…bỗng dưng Thản phát một đường bóng sâu bên góc phải. Lợi Em dẫn xuống và bất ngờ sút sà, ai cũng nghĩ là sẽ gở được bàn danh dự…ngờ đâu chỉ thấy người thủ môn bay mình nằm nghiêng trên mặt cỏ, quả bóng đã nằm gọn trong vòng tay anh ta. Hội trường im lặng như mọi người đều nín thở, chợt bừng lên tiếng la hét cỗ võ tựa hồ như đất trời đang sụp đổ…tinh thần thể thao của dân Huế mình cao thật là cao!
Gần mản trận hội khách lên banh thần tốc và ghi thêm một bàn nữa…Trận đấu nghieng hẵn về hội khách cho đến mản trận!
Mặc dầu hội nhà thua đậm đà với tỉ số 0-3 nhưng mọi người xem chừng hoan hỉ vì đã được xem một trận đấu tương đối ngoạn mục, từ lối đi banh thần tốc cho đến những cú sút như súng thần công. Hội nhà chơi tương đối mảnh liệt, nhưng tài nghệ có sút kém…Tôi theo đoàn người ra cổng sau gần trường tiểu học Lý Thường Kiệt, quẹo qua đường Triệu Ẩu, đến gần quán cơm Âm Phủ thì dừng lại ở máy nước công cọng, vừa quây máy vừa ngoác mồm ra uống, luồng nước mát lạnh bơm từ sông Hương chạy dài theo cơ thể; mấy chị gánh nước có chị quần xăn tới háng, có chị ngậm điếu thuốc lá vấn to tổ bố…cũng chụm lại bàn bạc chuyện đá banh: nào là mấy người Tây đẹp, nào là hội mền thua to cú ni, ui chao thiên hạ đi coi đôn dử tợn chưa tề…
Trên đường về lòng tôi cứ quanh quẩn nghĩ mãi đến chuyện làm sao để đi xem trận đấu ngày mai . Trận đấu ngày mai sẽ hấp dẫn vì có tăng cường các cầu thủ gạo cội của Sài Gòn: nào Qưới, nào Hồ , Tư , Đức, và nhất là có thủ môn Rạng trong khung thành…
Trưa hôm sau, ngày Chủ Nhật, tôi mua một ổ bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn…vừa chạy qua cầu Tràng Tiền. Tôi quyết tâm đến sớm để dùng chiến thuật cầm tay…Ngồi dưới gốc cây phượng xa xa bên góc đường; ngồi xa xa vì nếu mấy người soát vé thấy thì bể mánh hết trọi . Tôi chăm chú nhìn từng người, từng cặp, từng nhóm; hễ có nhóm nào không dẩn trẻ con theo là tôi xin được tháp tùng vào cửa…Trận đấu mở màn đã bắt đầu, tôi hồi hộp chạy quanh bên ngoài sân vận động quay về cái lỗ chó ngày hôm qua, nhưng không thấy bóng dáng thằng Trà, thằng Đức đâu cả, tôi vội vàng chạy về chỗ củ, đang hồng hộc chạy như chó đạp phải lửa, chợt thấy hai anh chị đang đạp xe song hành trên đường Triệu Ẩu, tôi thầm nghĩ : “đàn bà con gái ai mà đi coi đá banh!” thế mà anh chị này đi thật. Khi họ đang gởi xe thì tôi sà đến nói nho nhỏ : ” anh chị đi xem đá banh, cho em đi theo với! “. Người con gái mĩm cười nói với tôi : ” em xin anh kia kìa ” . Ngờ đâu, anh này quá dễ dải : ” em dẫn nó đi theo đi “!Nghe được câu ấy, trời ơi! tôi mừng như bắt được vàng…Tôi vội vàng nắm lấy tay cô gái : ” Chị dẫn em đi nghe!”…ôi bàn tay sao mà mềm mại ghê hết sức, tôi thầm nghĩ… Vào được bên trong sân vận động, tôi lí nhínói lời cám ơn rồi dông tuốt lên lòng chão, dưới kia trận mở màn đang tiếp diễn, mấy bác Cảnh Sát đang đuổi mấy người ngồi trên lòng chảo để chuẩn bị cho cuộc đua xe đạp giúp vui…Gió hây hây mát rượi, trên cao, tôi nhìn rõ mồn một toànTrà nhưng chẳng thấy.
Trận đấu mở màn vừa chầm dừt thì những ” cua rơ ” đua xe đạp đã sắp hàng trước khán đài, khán giả vổ tay đồm độp…Tôi chợt nhớ đến vòng đua Bến Hải- Cà Mâu, nhớ những con ngựa sắt đường dài như hai anh em Hoàng Ngọc Chánh, Hoàng Ngọc Thạch, vua leo núi Ngô Thành Liêm…Điều tôi dự đoán ngày hôm qua rầt đúng, các cua rơ dùng phần phần bằng của lòng chảo để qua mặt lẩn nhau. Cuộc đua thật hào hứng, khán giả vổ tay đồm độp, reo hò inh ỏi…Khi cuộc đua xe đạp chấm dứt, khán giả tràn xuống sân, lấy kinh nghiệm của ngày hôm qua, tôi lần mò đến khán đài chính, ngồi gần sát với lằn vôi biên. Đội khách hôm nay mặc áo đỏ, sọc trắng dọc, đó là hai màu biểu tượng cho lá cờ cũa nước Áo, đội nhà mặc áo vàng, mang số màu đỏ…quần xanh đậm.
Trận đấu khởi đi khá nhanh, đội khách mở những đợt tấn công ào ạt, nhưng Rạng xuất sắc trong khung thành, bắt những đường bóng độc đáo, có lẽ hội khách ngạc nhiên trước người thủ thành xuất sắc nên thay đổi đấu pháp. Hội nhà cũng lên banh thần tốc, nhưng những cú ” ngã bàn đèn” phá banh tuyệt vời của hậu vệ bạn đã chận đứng những đợt tấn công một cách hữu hiệu do đó trận đấu có vẽ bên tám lạng, người nữa cân…
Vào giữa hiệp một, Thản mở rộng bên cánh trái, Qưới một mình dẫn bóng vào giữa, nhưng bầt ngờ lại mở sâu ngược lại bên cánh trái cho Hồ, Hồt tạt bóng sà, Lợi Em bất thần ngã bàn đèn trước sự bất ngờ của thủ môn bạn: Huế dẫn trước 1-0. Cầu trường la hét gần như đất trời đang sụp đổ. Hội bạn bình tỉnh lên bóng, Lợi Anh đốn ngã anh số 10 sát đường chỉ 25 mét, cú sút thần tốc bên phải, uốn cong về bên trái của anh số chín đã làm Rạng bó tay…Hội khách đá nhanh hơn, giao bóng ngắn, bật bóng chuẩn xác, lên banh thần tốc, không đầy năm phút sau, nhân một đường bóng ngắn mở ngay vào giữa, anh thủ quân số 10 lắc qua lắc lại, đem bóng gần sát khung thành, Rạng bay người cố đón bóng trong chân, nhưng anh ta không sút,bất ngờ trả bóng cho một bạn đồng đội, thế là Rạng bó tay…Hiệp đầu đội khách dẫn trước 2-1.
Vào hiệp hai, hội nhà vùng lên phản công mảnh liệt, hội khách thu về cố thủ, lên banh cầm chừng, Đức, Hồ, Tư, Qưới dưới sự phát bóng hữu hiệu của Lợi Em ở hàng trung ứng, họ hầu như dẫm nát phần đất của hội khách, nhưng người thủ môn tài ba đã khóa chặt khung thành. Mãi đến gần giữa hiệp thứ nhì, nhân một quả phạt góc, Hồ đánh đầu san bằng tỉ số, thêm một lần nữa, cầu trường ầm ầm la hét…
Không lâu sau đó, hội khách lại lên bóng nhanh bên cánh phải, Lợi Anh ngã bàn đèn trái phép, quả phạt gián tiếp ngoài ba mươi thước đã được dàn xếp tuyệt vời giữa hai cú đánh đầu tung lưới Rạng. Hội nhà quyết chiến, lên banh nhanh như vũ bão, hội khách cố kéo về bảo vệ chiến thắng, người thủ môn hội khách hôm nay vất vã bắt bóng, gần cuối trận đấu, nhân một pha lên bóng, Thản dẫn bóng lên cao gần sát vùng cấm địa, hậu vệ hội khách ngã bàn đèn trái phép, đúng ra đây là quả phạt trực tiếp, nhưng trọng tài đã cho phạt đền…Thản gở huề 3-3…
Tết năm ấy, tôi trở thành anh hùng của những nhóc con ở quê tôi…đi đâu bọn trẻ cũng muốn tôi thuật lại hai trận cầu hiếm có ấy…
Nữa thế kĩ đã trôi qua rồi! mỗi lần có dịp xem một trận bóng đá, hình ảnh của đứa bé đầu húi cua, hốt hoảng chạy lui chạy tới chung quanh sân vận động Bão Long lại hiện về, giòng nước mát sông Hương nơi cái máy nước công cọng bên vệ đường tưới mát lòng cậu ngày xưa…nay tựa hồ như tưới mát tâm hồn già nua cũa tôi!
Tác Giả: Địa Cầu Xanh
Trích đoạn trong ” Huế và Tuổi Thơ Tôi”