DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 2
Nam Định
Chùa Phổ Minh
Ký sự của Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Phổ Minh Tự hay chùa Tháp ở cách đền Trần khoảng vài trăm mét về hướng tây, tọa lạc trong một không gian thoáng đãng, cách xa nhà cửa. Theo bài văn trên một tấm bia ở chùa, chùa được xây dựng từ đời Lý. Năm 1262 vua Trần Thái Tông tái thiết, mở rộng để làm nơi tu tập và hành đạo. Sau đó, các vua Trần khác, khi lui về làm Thái Thượng Hoàng đều lấy chùa Phổ Minh làm nơi tu hành.
Tam quan chùa Phổ Minh
Bước qua cửa tam quan, du khách thấy hai hàng cau, hai bên có hồ sen, và đằng xa là tháp Phổ Minh.
Tháp Phổ Minh được vua Trần Anh Tông xây năm 1308 nhằm tôn trí 7 hạt xá lợi (trong số 21 hạt) của Trúc Lâm Đầu Đà, tức là vua Trần Nhân Tông (băng hà ở am Ngọa Vân trên núi Tử Phong – Yên Tử.).
Tháp hình vuông, gồm 14 tầng, cao 19,5 m. Hai tầng dưới làm bằng đá mỗi cạnh dài 5,2 m. Các tầng còn lại xây bằng gạch để trần. Vào đầu thế kỷ 20, một thương nhân giàu có đã bỏ tiền trát vữa lên các mặt tháp, xóa mất nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu thời xưa.
Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái. Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, tạc hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm hình hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời Trần.
Bên cạnh tháp có một nhà bia ghi chép việc dựng tháp.
Bên phía kia của tháp có cây cổ thụ rất cao, tán rộng.
Các công trình kiến trúc chính của chùa bao gồm tiền đường 9 gian, nhà thiêu hương 3 gian, toà thượng điện cũng 3 gian nhưng rộng hơn, tất cả xếp thành hình chữ “công”.
Trong Đại Hùng Bảo Điện có ban thờ Tam Thế Phật
Tượng sơ tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ viên tịch (1258-1308).
Đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm: ngài Pháp Loa (1284-1330).
Đệ tam tổ: ngài Huyền Quang (1254-1334).
Tam tổ được thờ ở đây, nhưng nơi mà các ngài trụ trì được xem là thánh tích của các ngài là chùa Yên Tử, Quảng Ninh, chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Côn Sơn, Hải Dương.
Có một câu ca dao nhắc nhở những điểm hành hương đó:
Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm,
Nếu ai chưa đến, thiền tâm chưa đành.
Tuy chưa đến được những di tích trên, được chiêm ngưỡng tượng của các ngài nơi đây cũng thấy hoan hỷ lắm rồi.