Du khảo phương bắc – Kỳ 3

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC  – Kỳ 3

Ký sự của Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Ngày 4/12/2013: Bắc Ninh

Chùa Dâu (Pháp Vân)

Từ nhà anh bạn ở Bắc Giang, chúng tôi thuê xe 4 chỗ đi Bắc Ninh. Anh lái xe không biết gì về các di tích và cũng không biết đường đi. Nhưng may mắn là anh bạn có chiếc smart phone có thể truy cập mạng để tìm kiếm thông tin,cũng như bản đồ vệ tinh để dẫn đường. Nơi chúng tôi dự định tới đầu tiên là chùa Dâu, ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam. Dân gian gọi là chùa Dâu, vì vùng đất này gọi là vùng Dâu, nơi người dân sinh sống bằng nghề trồng lúa và trồng dâu, nuôi tằm. Tên chữ của chùa là Pháp Vân (mây pháp), một trong 4 chùa trong hệ thống tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ (mưa pháp), Pháp Lôi (sấm pháp), Pháp Điện (chớp pháp). Pháp có nghĩa là giáo huấn của Đức Phật. Nhưng dân gian không hiểu những ý nghĩa ẩn dụ ấy cho nên xem tứ pháp là các nữ thần mưa, sấm, v.v. Vì thế, khi trời hạn hán thì người ta rước tượng các “bà”để cầu đảo. Và có lẽ cầu nguyện cũng có hiệu quả cho nên chùa còn được gọi là chùa Diên Ứng. Còn người khác, quan tâm đến giáo pháp thì gọi chùa là Thiền Định Tự, Cổ Châu Tự , là viên ngọc quí thuở xưa. Cổ Châu cũng là tên chữ của vùng đất này. Theo văn bia và theo truyền thuyết thì chùa Dâu có từ thời Sĩ Nhiếp, tức là cuối thế kỷ thứ 2, đầu thế kỷ thứ 3. Lúc ấy nước Nam bị nhà Hán đô hộ. Họ chia nước Nam ra thành 9 quận. Mỗi quận đặt một quan cai trị gọi là Thái Thú. Trong 9 quận thì Giao Chỉ là quan trọng nhất. Trị sở quận Giao Chỉ là thành Luy Lâu hay Liên Lâu, tức là vùng Dâu. Sĩ Nhiếp là Thái Thú quận Giao Chỉ từ năm 187 đến 226. Ông là người đem văn hóa Hán truyền sang nước ta và làm cho Luy Lâu trở thành một trung tâm thương mại sầm uất. Đích thân Sĩ Nhiếp mở trường dạy chữ Hán, do đó dân ta vẫn còn nhớ ơn và gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương và lập đền thờ. Cùng thời gian ấy có những vị tăng gốc Trung Á, Ấn Độ, như Khâu Đa La, Ma Ha K ỳ Vực, v.v. đã theo các thuyền buôn đến Giao Chỉ để truyền bá đạo Phật. Trong khi miền Nam Trung Quốc (nước Ngô) chưa biết đến đạo Phật thì Giao Chỉ đã có hơn 500 tăng ni, đã dịch được 15 bộ kinh. Ngài Khương Tăng Hội (cha người Khương Cư (Sogdiana- vùng đất giữa iran và Uzbekistan ngày nay) , sinh tại Giao Chỉ ,năm ?- 280), học Phật và dịch kinh tại Giao Chỉ, sau đó sang Đông Ngô năm 247 để dịch kinh sang chữ Hán và giảng dạy giáo pháp. Vì vậy, vùng Dâu được xem là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước Nam. Những di tích chùa Dâu còn lại tới bây giờ là nhờ Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi chủ trì việc tu sửa, mở mang chùa vào năm 1313, dưới thời vua Trần Anh Tông. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ : “Đời Trần, Mạc Đỉnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp, nền cũ nay vẫn còn.” Chùa Dâu xưa thuộc làng Khương Tự, huyện Siêu Loại, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chữ Khương trong tên làng, tên xã nhắc người ta nhớ đến ngài Khương Tăng Hội, vị sơ tổ thiền tông Việt Nam, người đã để lại cuốn An Ban Thủ Ý, dạy thiền hơi thở, là kỹ thuật thiền định căn bản của thiền tông.

DuKhaoPhuongBac3_01

Ngôi tiền đường chùa Dâu, sau lưng là tháp Hòa Phong.

DuKhaoPhuongBac3_02

Tháp Hòa Phong,tức là Hòa Cốc, Phong Đăng, có nghĩa là Thóc Lúa Được Mùa. Thóc Lúa phải chăng là hạt giống Phật Pháp? Theo Thiền Uyển Tập Anh, các vị thiền sư tại chùa Dâu tu hành đắc đạo có thể kể ra là Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinidaruri), người Ấn Độ (?- 594), Pháp Hiền (?-626), Thiện Hội (?-900), Sùng Phạm (1004-1087), Trì Bát (1049-1117), Tính Mộ (1706-1755). Ngày xưa tháp có 9 tầng nay chỉ còn 3. Bia tháp cho biết sư Tính Mộ, nhờ sự trợ duyên của Kiên Thọ Hầu Võ Hà Trang tu sửa tháp năm 1738, lúc ấy tháp chỉ có 3 tầng. Tường ở chân tháp làm bằng gạch nung rất dày, tới 1,6 m, cửa vòm cuốn cao 2, 96m, rộng 1,84m. Trước tháp có tượng bò thần hay cừu (?), dài 1, 33m, cao 0,8m.

DuKhaoPhuongBac3_03

Tháp cổ của đạo Bà La Môn thường có tượng bò thần Nandin, đó là con vật chở thần Shiva đi đây đó. Nhưng dân địa phương thì cho rằng, đây là một trong hai con cừu do một vị sư Ấn Độ dẫn qua. Một con đi lạc, nay ở lăng Sĩ Nhiếp, cách đó khoảng 3km (!).

DuKhaoPhuongBac3_04

Trong lòng tháp có tượng bốn vị Thiên Vương (vua của bốn cõi trời),còn gọi là Tứ Trấn, đứng ở 4 góc,cao 1,6m.

DuKhaoPhuongBac3_05

Trong tháp có một chiếc khánh đồng đúc năm 1817.

DuKhaoPhuongBac3_06

Và một chuông đồng đúc năm 1793.

Kiến trúc của chùa Dâu theo hình “nội công, ngoại quốc”, có nghĩa là có 3 gian tiền đường, thiêu hương (kinh đàn) và thượng điện nằm song song, bao bọc bởi 3 dãy hành lang bên phải, bên trái và phía sau (tạo thành hậu điện). Tiền đường có hai vị Hộ Pháp (được ghi là Hộ Pháp Phật Thiện và Phật Ác, thay vì khuyến thiện, trừng ác) và tám vị Kim Cương. Gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long (Đức Phật đản sinh), hai bên có tượng Thập Điện Diêm Vương), Tam Châu Thái Tử và Mạc Đỉnh Chi. Trong thượng điện có tượng Pháp Vân và Pháp Vũ (hình tượng hóa thành hai bà), niên đại thế kỷ thứ 18.

DuKhaoPhuongBac3_07

Ban thờ Pháp Vân

DuKhaoPhuongBac3_08

Pháp Vân được hình tượng hóa thành một vị nữ thần,có nốt ruồi giữa trán giống như phụ nữ Ấn Độ, miệng mỉm cười hiền hòa, khuôn mặt đôn hậu, thân hình mảnh mai. Một tay đưa ra, tay kia cầm một viên ngọc ,tượng trưng cho pháp Phật quí báu..

DuKhaoPhuongBac3_09

Ban thờ Pháp Vũ, cũng được hình tượng hóa thành một thiếu nữ nông dân, có khuôn mặt hiền lành. Nguyên tượng này đặt ở chùa Đậu (Thành Đạo Tự) nhưng do người Pháp đã phá hủy chùa này nên tượng được đưa về đây). Bên trái có tượng ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

DuKhaoPhuongBac3_10

Nhà Tổ và Thánh Mẫu Trước mặt nhà thờ Tổ và Thánh Mẫu có một giếng cổ, tương truyền là nơi bà Man Nương, mẹ của bốn bà Tứ Pháp, cắm tích trượng xuống đất để cầu nước khi trời hạn hán. Nước đã phun lên ngay ở đây.

DuKhaoPhuongBac3_11

Vườn tháp các vị cao tăng.

DuKhaoPhuongBac3_12

Ở hậu điện có bàn thờ Phật chính giữa, bàn thờ Tổ Tăng.

DuKhaoPhuongBac3_13

Bàn thờ Tổ Ni

DuKhaoPhuongBac3_14

Bàn thờ Thánh Mẫu, những vị thánh thuộc tín ngưỡng dân gian bản địa.

DuKhaoPhuongBac3_15

Hai dãy hành lang bao bọc hai bên toàn bộ các gian nhà giữa sân là tượng các vị la hán, những vị tu hành đã đi đến cuối con đường tu học.

DuKhaoPhuongBac3_16

Trong kinh Phật, họ được gọi là bậc “vô học”, có nghĩa không cần phải học gì nữa. Người đang tu tập, chưa nhập vào dòng thánh, gọi là người “hữu học.”

DuKhaoPhuongBac3_17

Gian nhà cuối sân là hậu đường, cũng có bàn thờ Phật, được ghi là “Tam Bảo Hậu.”

DuKhaoPhuongBac3_18

Bàn thờ Thánh Hiền, những vị thánh có đạo đức cao trọng, khích lệ người đời noi gương làm việc phước thiện. Hai bên lại còn có hai vị hộ pháp.

DuKhaoPhuongBac3_19

Bà Hậu là bà Nguyễn Thị Cảo (cũng là Bà Đỏ), được tôn làm Hậu Thần của 13 làng ở vùng Dâu vì đã hiến tặng ruộng cho các làng ấy để xây đình.

DuKhaoPhuongBac3_20

Tượng Quan Âm Thị Kính , một nhân vật trong truyện cổ tích cũng được xem là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm.

DuKhaoPhuongBac3_21

Bàn thờ Đức Ông, còn gọi là Thủ Hộ Già Lam.

DuKhaoPhuongBac3_22

Ngoài chùa Dâu thờ bà Pháp Vân, Pháp Vũ, còn có nhiều chùa khác, thờ một trong bốn vị, hoặc có chùa thờ cả bốn bà. Sơ đồ hệ thống chùa thờ Phật Tứ Pháp cho khách hành hương biết được các chùa thuộc hệ thống thờ tứ pháp, trong đó, chùa Tổ làng Mãn Xá thờ bà Man Nương mà theo một chuyện cổ tích là mẹ của bốn bà trên, và cũng là mẹ Đức Thạch Quang, là viên đá phát sáng, em út của bốn bà kia. Sơ đồ này cũng cho thấy Phật pháp khi truyền vào một nền văn hóa nào đó sẽ pha trộn với văn hóa, truyền thuyết, tín ngưỡng địa phương và mất đi phần nào tính thuần khiết vốn có. Phật pháp vốn khuyến khích mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi, Đức Phật chỉ bày cho con đường thôi, nhưng nhiều người lại xem Đức Phật, hay pháp Phật như thần thánh có thể ban phước, ban lộc. Người ta dễ nhớ đến hội chùa Dâu qua câu ca dao: Dù ai buôn bán đâu đâu, Tháng Tư mồng Tám hội Dâu thì về. Với những đám rước kiệu các tượng Tứ Pháp, tục gánh kiệu thi giữa hai nhóm khiêng kiệu tượng Pháp Vũ và Pháp Lôi, v.v. Giáo pháp của Phật bị che khuất dưới các hoạt động lễ hội, lễ nghi, nghi thức, nằm sâu trong vỏ bọc tín ngưỡng. ít người biết rằng ngôi chùa này còn lưu giữ được 12 bộ kinh quí : Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục, Tam Giáo Kinh, Kỳ Vũ Kinh, v.v. mà đây mới thật sự là Cổ Châu, là viên ngọc xa xưa, và càng ít người biết rằng pháp Phật thật sự cũng không phải là kinh điển mà là kinh nghiệm, trí tuệ của mỗi người sinh ra từ sự thực hành những lời dạy của đấng giác ngộ ghi trong kinh điển.

 

Comments are closed.