DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 4
Ký sự của Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Bắc Ninh – Chùa Pháp Lôi
Chúng tôi đi dọc theo sông Dâu, đi qua làng Trí Quả (làng Dàn), nhưng không tìm ra chùa Trí Quả (Pháp Điện). Thật là ngộ khi lấy tên chùa đặt tên cho làng. Như vậy, làng có tên dân gian, thường là một từ thôi, chẳng hạn làng Dâu, làng Dàn, còn tên chữ thì có hai từ như làng Cổ Châu, Cổ Pháp, Phật Tích, v.v. Đi ngang qua một ngôi chùa có vẻ bề thế, nhưng tên chùa lại ghi bằng chữ Hán cho nên chúng tôi không ai đọc được. Có lẽ chùa nên giúp khách du lịch một chút bằng cách gắn thêm một biển đề chữ quốc ngữ. Và có lẽ quí thầy nên giúp chúng sinh một chút bằng cách tụng kinh bằng chữ Nôm!
Sau khi chụp ảnh, chúng tôi nhờ một người bạn “Hán rộng Nôm tài” đọc giùm thì bạn ấy thông ngôn là “Xuân Tự Quan” (không biết có phải là Xuân Quan Tự mà ghi theo kiểu “nghệ sĩ”?)
Trong sân chùa là bảng ghi công đức những người đóng góp trùng tu chùa, tiếp đó là tiền đường. Nhưng cổng vào đã đóng vì bây giờ là giờ “tịnh”, tức là giờ nghỉ trưa.
Chùa Pháp Lôi (pháp Phật như sấm) còn gọi là Phi Tướng Tự, nhưng dân gian lại gọi là chùa Tướng (!). Ở đàng xa là lư hương và tượng hộ pháp.
Lư hương và hai tượng hộ pháp rất to. Hai ông xưa kia chắc ngồi trong một tòa nhà,còn bây giờ ngồi dưới mái che tạm. Và xưa kia có lẽ chùa cũng rất to.
Phi Tướng xưa kia là một thiền viện lớn trong thành Luy Lâu, nơi nuôi dưỡng và đào tạo rất nhiều thiền sinh. Nhưng nay chỉ còn một khu vườn khá rộng và một ngôi chánh điện nhỏ, do một ni sư trông coi. Trên tường có một bảng lớn ghi lịch sử chùa, nhưng nằm trong phía bóng tối nên không đọc được. Cửa vào điện Phật là đóng nên đành quay ra, không chụp hình bà Pháp Lôi (bà Sấm) được. Ra đứng bên hông chùa có thể nhìn thấy thành cổ Luy Lâu, bây giờ là một gò đất cao, cây cối um tùm.
Thành Luy Lâu
Phế tích thành Luy Lâu.
Đi ra khỏi chùa, xe chúng tôi đi qua một con đường khác dẫn vào thành cổ:
Cổng vào di tích. Nhưng những người dân địa phương báo bên trong không có gì. Hơn một nửa diện tích thành cổ bây giờ đã trở thành đất ở của dân làng Lũng K hê. Trong thành còn có chùa Bình Văn, là di tích về việc truyền bá văn hóa Hán, thế kỷ thứ 2, còn có bến Gạo, là nơi cha mẹ học sinh chở gạo đến trường nuôi con ăn học. Ngoài ra còn có một cầu đá bắc qua lăng Sĩ Nhiếp.
Bên ngoài cổng thành còn một số nấm mộ đắp theo kiểu xưa.
Xe đi qua mấy con đường làng với kiến trúc mới và cũ nằm chen nhau. Nhà cũ xây bằng gạch trần, không trát vữa.
Đền Sĩ Nhiếp
Bia đề Đền và Lăng Sĩ Nhiếp, Nam Giao Học Tổ Sĩ Nhiếp. Có lẽ ghi Hán Văn Học Tổ thì đúng hơn (?).
Cổng đền Sĩ Nhiếp. Đền tọa lạc ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, ngay ven đường 282, cách chùa Dâu khoảng 1km.
Do cổng bị đóng, chúng tôi không vào được nên chỉ chụp hình sân trong qua khe cửa. Sĩ Nhiếp là Thái Thú Giao Chỉ, về sau gọi là Giao Châu (từ năm 203) trong 40 năm, từ năm 187 đến năm 226. Lúc đầu Sĩ Nhiếp là quan của nhà Đông Hán, về sau làm quan nhà Đông Ngô. Lúc bấy giờ là thời Tam Quốc bên Trung Nguyên, là thời chiến tranh giữa ba nước Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô. Sĩ Nhiếp khéo léo phục tùng, cống nạp cho nhà Hán và sau đó là nhà Ngô nên giữ cho Giao Chỉ được yên bình. Ông lại dung nạp các danh sĩ cũng như thường dân chạy loạn từ Trung Nguyên sang truyền bá văn hóa Hán, cũng như phát triển thương mại, kinh tế bản địa. Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng “từ đó mà dân ta thông thi thư, học được lễ nhạc và xây được nền văn hiến”. Vậy thì dân ta trước khi “được” phương Bắc cai trị thì chưa có văn hiến chăng? Gần đây, kể từ năm 2009, chính quyền địa phương tổ chức lại lễ rước Sĩ Nhiếp, có lẽ cũng cùng quan điểm Ngô sử gia chăng?