DU KHẢO PHƯƠNG BẮC (10)
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Côn Sơn
Nhắc đến Côn Sơn có lẽ ai ai cũng nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Trãi:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Danh thắng Côn Sơn bao gồm hai di tích, một là chùa Côn Sơn, nơi vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm trụ trì và viên tịch vào thế kỷ XV, thứ hai là đền thờ nhà thơ Ức Trai, quân sư của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh vào thế kỷ thứ XV.
Chùa Côn Sơn
Nằm cách đền Kiếp Bạc khoảng 7 km, ngôi chùa cổ tọa lạc ở chân núi Côn sơn, còn gọi là núi Kỳ Lân, thuộc thị xã Chí Linh. Theo một số sử liệu, ngôi chùa thoạt đầu là một thảo am do ngài Pháp Loa, tổ thứ hai của thiển phái Trúc Lâm dựng vào năm 1304. Sau đó ngài Huyền Quang, tổ thứ ba, tôn tạo, mở rộng vào năm 1329 và đặt tên là Thiên Tư Phúc Tự . Ngài viên tịch ở đây năm 1334 và nhập tháp cũng ở đây. Di tích này mới được trùng tu năm 1995.
Tổ Huyền Quang (1254-1334) thế danh là Lý Đạo Tái, người làng Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tổ là Trạng Nguyên của triều Trần, làm quan trong Viện Nội Hàm chuyên trách tiếp sứ thần Trung Quốc, sau đó từ quan theo Trúc Lâm Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) xuất gia lên núi Yên Tử học đạo.
Năm 1317, ngài được Tổ Pháp Loa truyền kệ phú pháp. Sau khi Tổ Pháp Loa viên tịch 1330, ngài kế thừa làm tổ thứ ba. Công lao hoằng pháp độ sanh của ngài rất lớn cho nên khi ngài mất ở tuổi 80, vua Trần Minh Tông sắc phong thụy hiệu là Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả. Ngày giỗ tổ , 23 tháng giêng, nay trở thành ngày hội xuân chùa Côn Sơn.
Cổng Côn Sơn Tự (tam quan ngoại) được phục dựng năm 1995.
Tam quan nội. Có lẽ đây là tam quan cũ, được phục dựng theo kiểu cổ. Tiếng thông reo chào đón khách hành hương.
Sân chùa được lát gạch khang trang, với có nhiều cây thông già. Trong sân có 4 nhà bia.
Một trong những tấm bia có ghi “Thanh Hư Động” , tương truyền là thủ bút của vua Trần Duệ Tông, hồi trước đặt trên núi, nay đưa xuống đây.
Có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, và các đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca trong ngôi tiền đường.
Tượng ngài Ca Diếp ( vị đệ tử đứng đầu tăng đoàn sau khi Đức Phật nhập diệt) được chạm khắc rất tỉ mỉ, với nét mặt và tà áo sống động, nhưng màu sơn phủ vàng và đỏ hơi chói.
Tượng ngài A Nan (vị thị giả của Đức Phật, người có trí nhớ siêu phàm, đã đọc lại mọi bài giảng của Đức Phật trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập niết bàn). Phong cách nghệ thuật cũng giống như tượng ngài Ca Diếp, tỉ mỉ từng chi tiết.
Tuy điện thờ làm bằng cột kèo, mái ngói đơn sơ, các tượng đều được thếp vàng chói lọi. Lễ vật là bánh Chocopie, bánh gateaux (bông lan), các thực phẩm có lẽ lạ miệng đối với các ngài. Đằng trước lại có một tượng Phật đản sinh (Cửu Long) bằng gỗ lũa (gốc cây), lại là một sự kết hợp giữa mỹ thuật cổ điển với hiện đại nữa.
Thượng điện. Bên ngoài tòa nhà trang trí đơn sơ, mộc mạc. Cửa bản khoa có vẽ cũ kỹ.
Bên trong điện Phật lại trang trí khá cầu kỳ. Liễn đối, diềm chạm khắc công phu, thếp vàng lộng lẫy, có lư hương, hạc đồng trang nghiêm, thích hợp với việc tế lễ hơn là hành thiền, mặc dầu việc bố trí chuông mõ trên nền nhà cho thấy các tu sĩ có thể ngồi thiền trước hay sau thời tụng kinh.
Nhà tổ với các tượng Phật Tam Thế (ba vị Phật của đời hiện tại, quá khứ và vị lai), Trúc Lâm Tam tổ (Trúc Lâm Đầu Đà, Pháp Loa, Huyền Quang). Có ba tượng mặc y phục quốc sư, không rõ danh tính. Có lẽ có tượng của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán (sau khi cáo quan, về an dưỡng tại Thanh Hư động, phía sau lưng chùa Côn Sơn) và ảnh Nguyễn Trãi trong khung kính ở giữa, trước lư cắm nhang.
Biển giới thiệu cuộc thám sát khảo cổ học chùa Côn Sơn.
Hình ảnh khai quật khảo cổ học chùa Côn Sơn
Vườn tháp xá lợi các vị cao tăng nằm phía sau, ở trên cao so với các tòa nhà, có bia tháp nằm bên trong.
Giếng ngọc xây thành hình hoa sen xây trên sườn núi.
Bên cạnh giếng có rồng đá, trông thật khác biệt so với rồng đá trong mỹ thuật Thuận Hóa.
Đăng Minh Bảo Tháp, nơi tôn trí xá lợi của ngài Huyền Quang. Tháp được xây la thành bao quanh.
Thông reo trên đỉnh Côn Sơn.
Đường lên đỉnh núi quanh co, nhưng rất dễ đi nhờ khoảng 600 bậc cấp khá rộng.
Trên đỉnh núi có một phương đình, là một tòa nhà gỗ kiểu cổ lầu có hai tầng mái. Bên trong là một bia đá dựng năm 1992.
Bia đá ghi sự tích Bàn Cờ Tiên:
Di tích thảo am của ngài Huyền Quang.
Chiều bắt đầu xuống. Phong cảnh thật là êm đềm, tịch mịch. Tao nhân mặc khách có thể ngắm cảnh sinh tình, sáng tác thơ văn; thiền giả thì tạm quên ngoại cảnh, hướng vào bên trong để quan sát thân tâm.
Gần phương đình có một quán nước. Các bà bán hàng vẫn còn chào mời khách uống chè, giải lao và đặc biệt, mời khách rút “xăm” để các bà giúp giải đoán tương lai, số phận.
(còn tiếp)