Du khảo phương bắc – Kỳ 11

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC (11)

Tác giả : Trần Ngọc Bảo K1A

Hải Dương

Côn Sơn – đền thờ Nguyễn Trãi

Từ cửa tam quan chùa Côn Sơn ở chân núi có đường rẽ phải sang cổng đền thờ Nguyễn Trãi. Nhưng chúng tôi đang ở trên đỉnh núi Côn Sơn cho nên đi xuống núi theo con đường cũ một đoạn khoảng 100m thì rẽ trái để sang núi Ngũ Nhạc thăm nền nhà cũ của cụ Nguyễn.
DuKhaoPhuongBac11_01
Ngoài thông, ven theo đường núi còn có một số cây rừng khác, nhưng không thấy cây cổ thụ nào. Có lẽ đây là rừng mới được phục hồi.

DuKhaoPhuongBac11_02

Nhà bia ghi tại đây là nền nhà cũ của Nguyễn Trãi. Sau hơn 600 năm mà người ta vẫn tìm ra nhà cũ của cụ nằm đâu, tài thật!

Nguyễn Trãi (1380-1442) quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh vàbà Trần Thị Thái, con gái của quan Tư Đồ triều Trần là Trần Nguyên Đán.

Nguyễn Phi Khanh thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) triều Trần, nhưng không được bổ làm quan (lý do, theo một số nhà sử học, là dân thường mà lấy vợ thuộc hàng quí tộc – tội “phạm thượng”!). Khi bà Trần Thị Thái mất, do Nguyễn Phi Khanh còn nghèo túng,Trần Nguyên Đán đem các cháu ngoại về Côn Sơn nuôi nấng, nhưng vị lão thần cũng mất vào năm 1390.

Năm 1400 Hồ Quí Ly tiếm ngôi nhà Trần và mở khoa thi. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh. Hai cha con cùng được bổ làm quan trong triều đình nhà Hồ. Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước Đại Ngu (quốc hiệu do Hồ Quí Ly đặt), quân Minh bắt ba cha con Hồ Quí Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng và một số quan lại giải qua Trung Hoa, trong đó có Nguyễn Phi Khanh.

Năm 1418 Lê Lợi khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa, Nguyễn Trãi tìm về phò tá. Ông dâng cho Lê Lợi Bình Ngô Sách, là chiến lược của nghĩa quân và trở thành vị quân sư cho cuộc kháng chiến cho đến khi thắng lợi năm 1428. Ông trở thành vị quan đầu triều, với chức vụ Nhập Nội Hành Khiển.

Lê Thái Tổ giao cho ông soạn Bình Ngô Đại Cáo để thông báo cho toàn dân thắng lợi của “đại nghĩa thắng hung tàn” và bài văn này được lưu truyền trong sử sách như một áng “hùng văn”, giống như Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo.

Dưới thờ Lê Thái Tổ đã xảy ra các vụ án giết hại công thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn. và Nguyễn Trãi cũng bị liên lụy. Ông bị thất sủng. Trải qua danh vọng, quyền quí cao sang và chứng kiến những cơn sóng gió ở chốn quan trường ông không tìm thấy niềm vui thật sự, mà chỉ mong được trở về với non nước Côn Sơn. Tâm sự này được phản ánh trong bài thơ Côn Sơn Ca (trong Ức Trai Thi Tập):

“Vấn quân hồ bất qui khứ lai,
bán sinh trần thổ trường giao cốc,
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
ẩm thủy phạn sơ tùy phận túc”.

Dịch :
Hỏi anh sao chẳng về thôi?
Bám đeo đất bụi nửa đời buộc giăng?
Muôn chung, chín đỉnh nào cần!
Phận tùy nước uống, rau ăn đủ liều…”

Hay bài Thu nhật ngẫu thành:

“… Kính trung bạch phát giai nhân lão,
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao.
Miến tưởng cố viên tam kính cúc,
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao”.

Dịch:
“… Soi gương tóc bạc già sao!
Ngoài thân danh hão biết bao mệt nhoài.
Vườn xưa luống cúc nhớ hoài,
Đêm đêm thuyền mộng miệt mài về quê.”

Năm 1437, ông xin về trí sĩ ở Côn Sơn vào lứa tuổi 60. An nhàn chẳng được bao lâu, năm 1439, vua Lê Thái Tông lại triệu ông ra tham chính. Bi thảm thay, năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bịtru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên.

Lúc ấy, vua Lê Thái Tông đi tuần thú phía đông, duyệt binh ở Chí Linh, được Nguyễn Trãi đón về Côn Sơn thăm chùa cổ. Sau đó, trên đường trở lại kinh đô, vua gọi người thiếp của ông là Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Bà vốn là người đẹp và hay chữ, cũng từng được mời vào cung giữ chức Lễ Nghi Học Sĩ, dạy cho cung nữ và hầu chuyện với vua. Trong đêm nghỉ tại Lệ Chi Viên (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) thì vua băng hà. Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị triều đình qui tội giết vua. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

DuKhaoPhuongBac11_03

Đền thờ Trần Nguyên Đán (1325-1390). Ông là tôn thất nhà Trần, hậu duệ của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, làm quan Tư Đồ (chức quan cao nhất) dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, ông ngoại của Nguyễn Trãi.

Năm 1385, Trần Nguyên Đán về trí sĩ tại thái ấp của mình ở vùng núi Côn sơn –Ngũ Nhạc, và nuôi dạy Nguyễn Trãi một thời gian tại đây.

DuKhaoPhuongBac11_04
Đền Thanh Hư, đền thờ Trần Nguyên Đán.

Thuở trước, nơi ở của ông được gọi là Thanh Hư Động. Vua Trần Nghệ Tông thỉnh thoảng về thăm và đàm đạo với ông. Về phương diện văn chương, ông để lại cho đời tập thơ Băng Hồ 10 quyển, nay chỉ còn 51 bài trong Toàn Việt Thi Lục.

Thanh Hư Động được Nguyễn Trãi nhắc đến trong bài thơ Giấc Mộng Trong Núi:

“Thanh Hư động trúc hàng ngàn,
Ào ào thác đổ lạnh màn gương soi.
Sáng trăng trời nước đêm rồi,
Hạc vàng mơ cưỡi lên nơi cõi Bồng.”

DuKhaoPhuongBac11_05
Cổng đền Thanh Hư

DuKhaoPhuongBac11_06
Núi rừng Ngũ Nhạc, nhìn từ bên dưới cổng đền Thanh Hư

DuKhaoPhuongBac11_07
Đình ngắm cảnh bên phải cây cầu bắc qua suối. Phía đối ngạn cũng có một ngôi đình tương tự.

DuKhaoPhuongBac11_08
Cầu bắc qua suối Côn Sơn, là con suối chảy giữa hai ngọn núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc. Nhưng nước hôm nay không còn chảy róc rách như vào thời xưa. Có lẽ rừng đầu nguồn bị chặt phá hết rồi. Nếu không dùng đá ngăn ở đây thì có lẽ dưới cầu cũng không có nước.

Mặc dù chưa đầy 4 giờ, bầu trời đã bắt đầu tối, thế cho nên chúng tôi không cố công đi tìm cho ra phiến đá to, nơi Nguyễn Trãi từng nằm ngủ:

Bao giờ dưới núi mây về ở,
Nước suối ,chè xanh, ngủ thạch bàn.

DuKhaoPhuongBac11_09
Đền thờ Nguyễn Trãi.

DuKhaoPhuongBac11_10
Sân đền Nguyễn Trãi, nhìn từ trên xuống.

DuKhaoPhuongBac11_11
Bàn thờ

DuKhaoPhuongBac11_12
Tượng Nguyễn Trãi, phía sau bàn thờ.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng và Tự Đức đã sưu tập và khảo chính các văn thơ còn lại của Nguyễn Trãi (thất lạc khá nhiều sau vụ án) tập họp thành bộ ỨC TRAI DI TẬP và cho khắc in vào năm 1868.
1) Về Hán Văn : gồm các tác phẩm chính còn lại:
a- Ức Trai Thi Tập: gồm hơn 105 bài thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn.
b- Văn loại: gồm các bài viết quan trọng như Bình Ngô Đại Cáo (1427), Lam Sơn Vĩnh Lăng Thần Đạo Bi Ký (1433), Băng Hồ Di Sự Lục (Băng Hồ là tên hiệu của Trần Nguyên Đán), Chí Linh Sơn Phú, Lam Sơn Thực Lục.
c- Quân Trung Từ Mệnh Tập: gồm các thư gởi cho tướng nhà Minh và các bài hịch tướng sĩ. Đó là một tài liệu quan trọng về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự đời hậu Lê.
d- Địa Dư Chí : là bài văn khảo sát về địa dư nước ta dâng lên Lê Thái Tông năm 1435.
2) Về văn Nôm: Quốc Âm Thi Tập được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất sau các bài thơ của các tiền bối đời nhà Trần.

DuKhaoPhuongBac11_13
Nhà bia

DuKhaoPhuongBac11_14
Tam quan phía trước đền.

DuKhaoPhuongBac11_15
Đằng xa là trụ biểu, báo hiệu nơi tôn nghiêm.

Ra về nhưng chúng tôi vẫn nhớ những bài học về của cuộc đời mà thi hào Nguyễn Trãi đã nhắc đến trong bài Côn Sơn Ca :

“… Thấy chăng: Đổng Trác vàng nhiều,
Tám trăm Nguyên tải hồ tiêu hộc tràn.
Bá Di, họ Thúc thấy chăng?
Thủ Dương chết đói chẳng ăn gạo rồi!

Hiền, ngu: hai kẻ đôi nơi,
Đều tìm ham muốn riêng người mình thôi.
Trong vòng trăm tuổi con người,
Rốt cùng cũng giống như đời cỏ cây.

Vui, buồn, lo, sướng đổi thay?
Vẻ vang, tàn tạ quay về nối nhau.
Thế rồi gò núi, nhà cao,
Ai vinh, ai nhục mai sau qua đời?…”

Nhìn núi, nhìn trời, chúng ta ắt cảm thông sâu sắc với bài Đứng Ngắm Cảnh Chiều của thi nhân:

“Bao la trời nước mênh mông,
Lá thu vàng rụng, núi sông cuối mùa.
Thèm đôi chim trắng bên hoa,
Cõi người phiền lụy chẳng qua bãi này”

Con người dù là giàu sang, tài trí, tiếng tăm, hay tầm thường, hèn kém đều trải qua sướng khổ, buồn,vui và kết thúc bằng một nấm cỏ xanh. Nhưng đoạn cuối của cuộc đời của một nhân tài kiệt xuất, một danh nhân có công lớn với đất nước như Nguyễn Trãi không thể không làm cho du khách viếng Côn Sơn cảm thấy xót xa trong lòng.

Trần Ngọc Bảo
(Ghi chú: Những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi trích dẫn trên do Dương Anh Sơn chuyển ngữ thành thể lục bát, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn ấn hành năm 2006.)

Comments are closed.