RỪNG BIỂN KHÔNG XA – Kỳ 3
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Hôm nay là ngày thứ hai của tour khám phá rừng biển. Ngày hôm qua đi xuống biển là một chuyến đi không có gì gian khổ. Nhưng cuộc lữ hôm nay, đi lên rừng, là một thách thức đối với sức khỏe, đặc biệt là với các du tử KMH, vì tất cả đều ở lứa tuổi “U60 đời cuối” và “U70 đời đầu”.
Bốn nữ du tử khóa 2 đã tạm biệt cuộc chơi. Trong số những “đấng nữ nhi” còn ở lại, “sung” nhất có lẽ là Huệ MC, K9, và “cao bồi Tiền Giang” Liên, K2. Phan Hoa và Minh, K2, vì “ham vui” với bạn cho nên vẫn lên đường, mặc dầu chiều qua, lúc gần về tới nhà, Minh có thổi kèn trom-pet ò e (ò, e, nặng). Còn ba nam du tử thì “sung” nhất là tour guide kiêm phó nháy Sum, K8, thứ nhì là lão Kong Kong. Nơi nào có bóng hồng phấp phới, là lão “tươi tỉnh” như một công tử hào hoa phong độ. Người thứ ba, mặc áo trắng trong hình dưới đây, dĩ nhiên là đứng hạng chót. Nhưng nhờ hai em gái áo đỏ khoác tay nên cũng “xăng xái” vượt suối băng ngàn.
Nhóm du tử đang ở cửa rừng, sẵn sàng “phi” lên đỉnh Bạch Mã.
Trên đường đi, các du tử thỉnh thoảng dừng lại ngắm rừng cây. Mọi người thích thú nhìn những cây thích lá đỏ tô điểm cho rừng xanh.
Và kia là núi Truồi, đứng cạnh hồ Truồi. Núi Truồi thường mờ mịt trong sương, nhưng giờ này sương đã tan nhờ mặt trời lên cao.
Chợt nhớ câu ca dao:
Núi Truồi ai đắp mà cao?
Sông Nong ai bới, ai đào mà sâu? (dị bản: sông Gianh, sông Dinh).
Núi Truồi cao đến 1.154m. Tên chữ của núi là Ấn Lĩnh.
Hồ Truồi là hồ thủy lợi, được xây dựng năm 1996, với sức chứa khoảng 6o triệu mét khối nước.
Trên ngọn đồi trông như hòn đảo kia có Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, xây dựng năm 2009, đã trở thành một danh lam thắng cảnh của vườn quốc gia.
Trạm dừng kế tiếp là rừng chò đen. Chò đen là một loại cây cho gỗ tốt, và được ghi vào sách đỏ – được bảo vệ để tránh nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, ở đất Thừa Thiên, chò đen không phải là loài cây quí hiếm vì còn cả khu rừng. Ở Nam Đông, Phú Lộc đều còn chò đen. Chò đen chỉ đen ở màu da, bên trong gỗ màu vàng hay nâu sẫm.
Vì rừng chò nằm trong một thung lũng có độ dốc lớn cho nên người ta có giăng dây làm tay vịn, hỗ trợ cho các tay leo núi. Thay cho các bậc cấp, người ta dùng các thanh gỗ ngang, buộc lại với nhau. Rất tiếc là cầu thang này chỉ dài khoảng 20m cho nên nhóm chỉ chơi loanh quanh đây.
Huệ MC đu lên dây, đóng vai con cháu Tarzan.
Cao bồi Phan Hoa, đến từ xứ Ohio, Hoa Kỳ, cũng không chịu thua!
Cao bồi Tiền Giang thì nhào tới một thân cây chò để đo đường kính bằng sãi tay.
Du tử Minh kèn trompet e ấp nép vào gốc chò đen.
Sau khi “hành hạ” ba phó nhòm, chụp hình đủ các kiểu, nhóm nữ du tử không leo nữa, mà bò lên lại cho chắc ăn!
Đến biệt thự Bạch Mã, nhóm du tử ăn trưa ngoài trời, với bàn ăn trải khăn đỏ, sang như Tây “mấy lần” (mấy lần = hồi xưa).
Ngồi chính giữa là “bác tài”, người không tham gia cuộc chơi, chỉ tham gia “cuộc ăn”!
Đây là nhà khách, nơi đóng tổng hành dinh của nhóm du tử.
Sau khi nghỉ trưa, nhóm mang ba lô, xách túi lên đường tới ngũ hồ.
Phải bước đi trên đá hơi đau chân , ai cũng lom khom, cẩn thận.
Minh và Phan Hoa bằng lòng ngồi chơi ở nơi đây, không “bon chen” đi xa hơn nữa.
Hai đứa cháu của Tarzan thì say mê lội nước theo sát chân phó nhòm Sum đi xuống hồ 2, hồ 3.
Hai cô nàng thỏa sức thám hiểm rừng xanh.
Hai người chia đôi thác nước, thả xuống ghềnh đá, đẹp như hai tấm lụa đào.
Rồi chia nhau cả thảm hoa đỗ quyên bên bờ suối.
Nàng cao bồi Tiền Giang còn hái cả lá dương xỉ cài lên mái tóc để chụp hình và có người bình luận “người mô mà giống như ở trại tâm thần mới sổng ra.”
Lại một hồ nhỏ , nước trong vắt.
Trên đường về, nhóm du tử leo lên chòi canh lửa để ngắm đất trời.
Ngắm núi rừng đang chìm dần trong bóng hoàng hôn.
Buổi tối bàn ăn trải khăn trắng, thưởng thức món ăn, thưởng thức cuộc sống từng phút giây.
Buổi tối chỉ với một cây đèn pin, cả bọn bước lò dò trong bóng đêm, lên Vọng Hải đài ngắm trăng, nhưng trăng đâu chẳng thấy, chỉ thấy bầu trời tối om om. Cả bọn ngồi lại bên chiếc chuông đồng ngoài trời.
Vào bên trong đài, tối mò mò, Thanh Kong Kong ôm đàn ghi ta đánh, Phan Hoa ôm một ba lô làm bạn nhảy. Huệ MC cùng Minh làm thành một “cặp đôi hoàn hảo” và cứ thế mà hát, mà múa như điên, như khùng.
Hai lão du tử kia leo lên trên mái đài ngồi chờ trăng lên, nhưng trăng nhất định không lên.
Sau rốt cả bọn cùng nhau lên ngồi trên mái đài Hải Vọng, chờ hoài một ảo vọng. Thanh Kong Kong cất tiếng phá tan sự im lặng: Có chi mô nà! Cả bọn cười vang và leo xuống, hài lòng vì đã vui chơi một ngày, không giống ngày nào khác trong cuộc đời.
(còn tiếp)