Ghi nhận từ một chuyến viếng thăm
Sáng chủ nhật (03/07/2005) như đã hẹn với nhau trước đó, nhóm bạn Kiểu Mẫu khóa 2 gồm : Khương, Nam, Thành, Hải, Dưỡng, đặc biệt lần này có cả Hoàng, một người bạn ở Mỹ về. Tất cả cũng trực chỉ về làng An Lưu, (thuộc Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nơi mà 6 tháng trước đây chúng tôi đã từng về thăm người bạn đồng môn lúc ấy đang ốm nặng. Cả bọn muốn dành cho Nguyễn Dật một sự bất ngờ nên không báo trước.
Từ Chợ Mai rẽ phải theo con lộ nhỏ chạy xe khoảng hơn 30 phút là đến nơi. Phong cảnh làng quê cũng không thay đổi mấy, vẫn là con sông lờ đờ ôm quanh lãng. Dọc bờ là những hàng tre lòa xòa tỏa bóng râm mát lạnh xuống con đường nhỏ quanh co dẫn vào làng. Nhớ lại hồi còn đi học có lần chúng tôi rủ nhau “cup tiết” (trốn học) đạp xe về đây vừa để khám phá cảnh làng quê, vừa để thỏa tính hiếu kỳ, hoang nghịch…Ngày hôm sau cả bọn bị thầy Vĩnh Tiên cảnh cáo bằng cách thu hết dép guốc treo lên tấm bảng để “triển lãm”, lại còn bị mấy roi đau buốt nữa chứ! (thật “quê” hết cỡ!).
Cứ men theo con đường bờ sông phia tả ngạn khoảng 200m, cua phải vào một con ngõ chè tầu, lượn một vòng quanh tấm bình phong cũng bằng chè tầu chắn ngang, trước khoảng sân nhỏ ngôi nhà rường cũ kỹ thấp bé của Dật hiện ra. Không gian quanh ngôi nhà có vẻ như sáng hơn, một cảm giác vui dấy lên trong lòng…
Dật đã nhận ra chúng tôi với nét tươi tỉnh. Cả bọn reo lên :
– A Dật, khỏe rồi chứ!
– Không khoẻ thì làm sao mà ra đứng dậy để tiếp bọn bay được. Dật cười vui. Chúng tôi mừng vô cùng. Thế là Dật đã “thoát”, đã khoẻ lại rồi. Nhớ lại cách đây 6 tháng khi đến tìm thăm Dật, trông Dật thảm hại lắm. Nước da vàng vọt, bủng bẹo, bụng trương lên thấy rõ. Dật bị cả gan lẫn thận, biến chứng giai đoạn đầu. Nếu không có sự trợ giúp kịp thời của thân hữu và thấy cô Kiểu Mẫu xưa thì có mà…Dật đon đã mời cả bọn ra một góc vườn, có lẽ là để hưởng cái thiên nhiên mát lạnh của cây trái xung quanh mà ở Thành phố chúng tôi ít có dịp tiếp cận. Dưới tán của một cây khế mát rượi, chiếc bàn gỗ daì với dãy ghế như chờ đợi sẵn những người bạn xa. Thôi thì, không mấy khi về thôn quê, hơn nữa cũng để mừng cho thằng Dật, tiện đây bọn mình ra chợ quê kiếm cái gì đó vô “nhậu” hè! Ý kiến của ai đó được cả bọn đồng tình ngay. Khương – Hải – Thành, cả Dật nữa (phải để thổ công đi cùng cho vui). Xăng xái, Hoàng cũng đòi đi theo ra chợ.
– “Ê Hoàng, mi ngồi đó, cho mi ra chợ để bọn tau bị “chặt” gấp đôi a” (mác Việt kiều mà) – giọng Khương dứt khoát.
– Ê bọn bây ra chợ ráng kiếm mấy con trừ về hấp bù nghe! (Ca trau hap bau)
– Có diếc (cá diếc) thì quơ luôn, về làm món chiên xù “hết xẩy” đó!
– Ừ… bọn bay ở nhà lo dọn dẹp, chuẩn bị đi! Bọn tau về là “dô” luôn đó… Tiếng người đi, người ở cứ rối rít.
Khoảng 30 phút sau là đòan đi chợ về. Thành đưa cao đùm cá trên tay hớn hở khoe : – Đã trưa rồi mà kiếm được mấy “chị chằng” (cá) như vậy cũng vào loại khá à nghe… Hai con trù 7 lạng, kể ra con mụ có cảm tình “mí tui” mới đem ra bán đấy, chứ mụ giấu kỹ trong buồng để bán cho khách quen thôi đó. Cá trù sông đây, chứ không phải nuôi hồ mô. (cá tràu nuôi hồ thường mỡ nhiều không ngon)
– À, lại nữa không có diếc thay bằng rô được không?
– Tốt quá rồi, công của mi tui tau sẽ thưởng sau. Thôi, giờ thì bọn mình làm hè! Cả bọn xúm lại rửa rau, làm cá, nhóm bếp… Ca trầu làm sạch (tước bỏ mang, mắt nhưng nhớ để lại ruột) cho vào đoạn bầu đã được nạo rỗng, chêm thêm nấm mèo, kim châm, hành tây, cà chua và các thứ gia vị, xong lấy dây bó chặt lại bỏ vào nồi hấp lên. Hải đạo diễn món chiên xứ, mồ hôi đầm đìa, bếp đun bằng rơm nên toát mồ hôi là phải. Đợi chảo dầu sôi lên là “a lê hấp” trút mớ rô còn sống vào và đậy lại thật nhanh. Gặp dầu ăn đang nóng, mấy chị rô dẫy đành đạch một hơi rồi “xù” lên, nước mắm gừng chanh tỏi thơm phức đang đợi chúng mày đấy…
Các món tự biên tự diễn đã được bày lên. Cả bọn xuýt xoa thưởng thức món cá trù hấp bù “độc chiêu”. Thịt cá mang vị ngọt tự nhiên của sông suối đồng quê như thấm vào mạch cảm xúc. Món cá rô chiên xù cũng đáo để, cá đầy trứng béo ngậy, thơm lừng, cho vào miệng cái cảm giác giòn tan như chạy khắp thân thể. Vừa lúc, vợ Dật bưng ra hai đĩa cơm gạo mới còn nghi ngút khói. Dật cười bảo : “giới thiệu với bọn bây, đây là hạt gạo xây ra đầu tiên, của mùa lúa đầu tiên có công sức của tau” (Dật bây giờ đã đi thăm đồng, bể bò (để giữ nước) được rồi) Không gian như lắng xuống. Cảm động quá! Cầm chén cơm nóng hổi trên tay chúng tôi nhắm nháp từng hạt cơm đắm đủ chất chứa từng giọt mồ hôi và cả nước mắt của Dật trên đồng ruộng, từng hạt cơm có cả nghĩa tình của thầy trò bè bạn Kiểu Mẫu xưa đã giúp đỡ chí tình, tiếp sức cho Dật để làm ra. Dật bùi ngùi : “Nếu không có bạn bè và thầy cô động viên, giúp đỡ chắc là tau không qua được…” Vợ Dật tiếp lời : “Tụi em cảm ơn các anh chị và Thầy Cô Kiểu Mẫu nhiều lắm…”
Nắng chiều đã xuyên qua vòm là tạo thành những vết sáng lập loang trên mặt bàn. Chúng tôi tạm chia tay với gia đình Dật với mong muốn là Dật tiếp tục điều trị có hiệu quả. Chúng tôi hiểu ở bên cạnh Dật cũng như các bạn không may trong cuộc sống còn có một đại gia đình Kiểu Mẫu, có cả tấm lòng của những người bạn phương xa như Khôi, Hoàng, Khâm, Thảo, Aí, Thúy Nga, Ngọc Anh, Thuý Ngoc… và các thầy Vĩnh Tiên, Lê Bá Tròn, Trần Hữu Long… Thầy và bạn luôn dành cho chúng mình những sự xẻ chia nồng ấm tình nghĩa Kiểu Mẫu xưa.
Ngô Đa Khương
Cựu học sinh khóa 2 Kiểu Mẫu Huế