DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 1
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Sau khi hoàn tất khóa thiền 10 ngày ở Sóc Sơn, Hà Nội, vào đầu tháng 12, 2013, tôi dự định trở về Huế ngay. Trong lúc chờ đợi mua vé tàu, tôi tạm trú tại nhà một thiền sinh ở Thanh Xuân. Chợt nhớ đến một thiền sinh quen biết lúc đi phục vụ khóa thiền hồi tháng 4 ở Thủ Đức, tôi gọi điện thoại trò chuyện cho vui. Tình cờ, anh ấy đang ở chơi tại nhà một người bạn ở Nam Định. Anh ta rủ tôi về chơi, không ngờ đó lại là “nhân duyên” cho một chuyến du khảo về vùng Dâu, nơi tiếp nhận Phật giáo đầu tiên của nước Nam, về cố hương nhà Trần, cố đô Hoa Lư, Côn Sơn- , thăm nàng Tô Thị và danh thắng Tràng An .
Ngày 2/12: Khởi hành
Cuộc du khảo này bắt đầu bằng một cuộc phiêu lưu nhỏ vì tôi không ngờ ngôi nhà tôi sắp đi đến nằm ở một huyện nông thôn xa xôi, cách thành phố Nam Định tới 50km, và khi xe đến nơi (xuất phát từ bến xe Mỹ Đình,Hà Nội,lúc 4 giờ chiều,đến huyện Nghĩa Hưng lúc 7 giờ) thì màn đêm đã buông xuống. Tôi dặn anh phụ xe cho xuống trước cổng trường cấp 3 Nghĩa Hưng B, nhưng anh này đã quên và khi nhớ ra thì xe đã đi quá tới 8km. Đường tối, vắng hoe, và lạnh buốt. May mắn làm sao, khi đi bộ khoảng 30m thì gặp một ngã ba có đèn sáng. Dừng lại để hỏi đường thì được một anh thanh niên đang bán vịt quay tạm ngưng bán hàng, lấy xe máy chở tôi quay lại cổng trường, nơi hai người bạn đang đứng chờ.
Ngày 3/12: Nam Định Đền Trần
Sau khi ăn sáng và trò chuyện, lúc 9 giờ , chủ nhà đưa tôi và người bạn ra đường đón xe đò lên thành phố Nam Định. Xe đến bến lúc gần 11 giờ. Chúng tôi mua vé đi Bắc Giang (để về nhà anh bạn ấy) chuyến 12:30. Như vậy, còn khoảng hơn 60 phút để khám phá Nam Định. Tôi nhớ đến ngôi đền nhà Trần, là nơi mấy năm gần đây rộ lên lễ hội vào những ngày 13, 14, và 15 tháng giêng, và đặc biệt là sự kiện xin ấn vào đêm 14 tháng giêng. Ngày xưa, trước khi nghỉ tết, triều đình có lệ làm lễ phất thức, tức là lau chùi và niêm phong các ấn (khuôn dấu). Sau tết ,khoảng mồng 7, khi các công sở bắt đầu hoạt động trở lại thì có lễ khai ấn. Nhưng kỳ lạ là đền Trần còn “lưu giữ” (?) một loại ấn nào đó, và nhà chức trách địa phương tổ chức đóng ấn trên lụa đặc biệt để phát cho một số cán bộ và trên giấy thường để “ban” cho dân cầu tài, lộc (giá 10.000 đồng, nhưng giá chợ đen thì vô chừng). Với niềm tin đó là lộc thánh, vào đêm 14, hàng chục ngàn người dân chen lấn nhau để mua cho được tờ có inấn. Trong khi xu hướng chung của thế giới là xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức thì người dân nơi đây lại tin rằng có thể làm giàu nhờ “ơn trên”.
Chúng tôi gọi taxi đi qua đền Trần, ở cách bến xe khoảng 1km. Đây là nhà thờ các vua nhà Trần và các quan có công với xã tắc, nằm trên đường Trần Thừa, thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng. Đền Trần xưa được xây trên nền Thái Miếu cũ của nhà Trần (thế kỷ 13) đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ thứ 15. Đền được dựng lại vào năm 1695 và được trùng tu năm 1773. Vua Tự Đức cho xây mới đền Thiên Trường vào năm 1853 và vua Thành Thái trùng tu năm 1894, sau đó, vua còn cho xây dựng đền Cố Trạch năm 1897 . Gần đây nhất đền được sửa sang vào năm 2000 và 2008.
Cổng chính hướng về phía nam. Phía trước đền có sân lát gạch rất rộng. Tầng trên cửa tam quan ghi : Trần Miếu,và tầng dưới ghi Chính Nam Môn.
Bên trong cổng là hồ sen, tiếp đó là ba tòa nhà: từ trái sang là đền Thiên Trường, đền Trùng Hoa và đền Cố Trạch. Mỗi tòa gồm có 3 dãy nhà song song: ngôi tiền đường 5 gian, trung đường 5 gian, và chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường với trung đường còn có nhà thiêu hương và 2 gian tả hữu.
Gọi là hồ sen,nhưng hoa đang nở là hoa súng (vì mùa sen đã qua). Vì cửa chính không mở cho nên du khách phải đi vào cửa bên phải, đây là đền Cố Trạch (nghĩa là nhà cũ của đức thánh Trần) thờ Quốc Công Trần Hưng Đạo.
Đền Cố Trạch được xây năm 1894. Trong sân có nhiều ngựa( đồ mã), để đốt sau khi cúng. Trong đền rất đông người và tiếng nhạc chầu văn vang rền. Hóa ra nhiều người vẫn còn tin Hưng Đạo Vương hiển thánh và bảo hộ cho dân chống lại tà thần, bệnh tật cho nên ngày nào cũng có người đến cúng tế, hầu đồng (lên đồng). Thậm chí, nhạc “hầu văn” (hay chầu văn) được đề nghị thành một “di sản văn hóa phi vật thể. ”
Do có người đang hành lễ, chúng tôi không đi vào trong được, nhưng cũng tìm hiểu và biết được rằng trong đền có nhiều bàn thờ với tượng Trần Hưng Đạo cùng bài vị các võ tướng thân cận như Phạm Ngũ Lão (cũng là rễ của ngài), Phạm Ngộ, Nguyễn Chế Nghĩa cùng các văn quan như Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân. Ngoài ra, trong đền còn thờ Phật và ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Người ta cho rằng phảithờ Thánh cùng với Phật và khi khấn phải niệm danh hiệu Phật trước danh hiệu thánh,thần.
Đền Trùng Hoa được dựng năm 2000. Trong đền thờ tượng của 14 vua nhà Trần được đúc vào năm 2008.
Một trong các tượng vua nhà Trần đặt ở trung đường và chính tẩm. Trùng Quang là tên cung điện do các vua nhà Trần xây dựng để về ở sau khi truyền ngôi cho con ở Thăng Long (và trở thành Thái Thượng Hoàng). Trùng Hoa là cung điện dành cho vua đương triều ở khi về thăm vua cha.
Trước sân đền Trùng Hoa có 14 đỉnh đồng.
Ban thờ (bàn thờ) Hội Đồng các quan đặt ở nhà thiêu hương.
Đền Thiên Trường được vua Tự Đức cho xây dựng mở rộng vào năm 1854 vì cho rằng ngôi miếu qui mô chưa xứng đáng với công lao nhà Trần đối với đất nước. Trong đền có nhiều bàn thờ và bài vị các vua, các vị thủy tổ họ Trần và các vương hậu, các phu nhân. Đồng thờ cũng có bàn thờ các văn thần, võ tướng triều Trần. Thiên Trường là cách gọi tắt của bốn chữ: Thiên địa trường tồn: tồn tại lâu dài với trời đất. Thiên Trường cũng là tên vua Trần Thái Tông đặt tên cho đơn vị hành chánh mới thành lập tại vùng đất có thôn Tức Mặc, tức là quê cũ của họ Trần. Phủ Thiên Trường xưa bao gồm đất đai của thành phố Nam Định ngày nay, cùng với các xã thuộc huyện Mỹ Lộc, Nam Trực tỉnh Nam Định và vùng phía nam tỉnh Thái Bình.
Rất tiếc là do thời giờ có hạn, chúng tôi không đi thăm được các di tích gần đó như đền Bảo Lộc của An Sinh Vương Trần Liễu, đền Hậu Bồi thờ Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, lăng mộ Hưng Đạo Vương, v.v. Nhưng dù sao cũng vui trong lòng vì có dịp thăm “cố hương” và đền thờ tiên tổ họ Trần.
Trần Ngọc Bảo