Du khảo phương bắc – Kỳ 6

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 6

Ký sự của Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Bắc Ninh Chùa Phật Tích

Từ huyện Thuận Thành, chúng tôi đi lên phía bắc để đến chùa Phật Tích, trên núi Lạn K ha, thuộc thôn Phật Tích, huyện Tiên Du (dạo chơi ở cõi tiên?). Đến đây không thể không nhớ chuyện Từ Thức lạc vào cõi tiên và kết hôn với tiên nữ Giáng Hương. Từ Thức vốn quê ở Thanh Hóa, nhưng được bổ làm tri huyện ở Bắc Ninh. Có lẽ ông quan này mê rong chơi hơn là làm việc “hành dân là chính”. Một hôm, vào ngày 4 tháng giêng, ông lên núi Lạn K ha dự hội ngắm hoa mẫu đơn ở chùa Phật Tích thì gặp một thiếu nữ đang bị chùa (thật ra là làng – cũng như hiện nay, làng quản lý tài sản của chùa) bắt giữ để phạt vạ vì làm gãy một cành hoa. Từ Thức bèn cởi áo gấm trao cho làng để chuộc người đẹp. Một thời gian sau, Từ Thức từ quan về quê tại huyện Nga Sơn để tiếp tục rong chơi. Một hôm, ra cửa biển Thần Phù,ông nhìn thấy một động đá. Tò mò, ông đi vào và gặp bao nhiêu là thiếu nữ “đẹp như tiên”. Ông còn gặp được nàng con gái được chuộc hôm nào và được phép cưới nàng. Sau khoảng một năm “hương lửa đang nồng” thì ông ta chợt nhớ “quê choa.” Ông xin nàng cho về quê “nghỉ phép”. Tiên nữ sau một hồi do dự đành đồng ý ký “giấy đi đường”, kèm theo một phong thư, dặn về tới nhà mới mở. Khi về tới làng, ông thấy cảnh vật đổi thay rất nhiều, và điều bất ngờ nhất là không gặp được một người nào quen biết. Khi hỏi có ai biết Từ Thức không, thì có một người (có lẽ là công an khu vực) nói rằng Từ thức đã bị “cắt hộ khẩu” từ lâu lắm rồi. Có lẽ vì không được phép tạm trú ở địa phương, ông đi lang thang ra cửa biển, tìm lại động tiên, nhưng cây rừng đã giăng mắc che lấp cửa động. Mở phong thư của tiên nữ mới hay đó là tờ giấy “ly hôn”, nàng cho biết mối duyên nợ vợ chồng chỉ có chừng ấy thôi, giờ thì đường anh, anh cứ đi. Không ai biết lãng tử “xử lý tình huống” ra sao. Truyền thuyết chỉ kể rằng lãng tử mất tích từ dạo ấy! Người Kinh Bắc ( đất Kinh Bắc thuở xưa bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, một phần Lạng Sơn,một phần Hưng Yên và một phần Hà Nội ngày nay) lại còn thêu dệt chuyện Lạn Kha: chữ này có nghĩa là “cán búa mục nát” nhuốm màu sắc đạo giáo: Có một tiều phu tên là Vương Chất, một hôm, vác búa lên núi đốn củi, tình cờ thấy hai vị tiên đang đánh cờ. Bác tiều phu nhà ta theo dõi cuộc cờ phi phàm say sưa đến nỗi không biết bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua, đến khi giật mình nhìn lại cây búa thì thấy chiếc cán bằng gỗ đã mục nát từ lâu! Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ câu chuyện về nàng Man Nương ở chùa Dâu, mẹ của tứ pháp. Khi còn là thiếu nữ Man Nương lên chùa làm công quả. Một hôm, sau khi giã gạo xong, nàng mệt quá, nằm lăn ra nền đất ngủ. Khi trời tối, sư Khâu Đa La, người Ấn Độ, vô tình bước qua người nàng. Nàng bất giác “động lòng” và có thai. Sau khi sinh hạ một hài nhi, nàng mang con đền chùa giao cho sư. Sư nhận và đem đến một gốc cây. Thân cây tự động nứt ra làm hai, sư bỏ đứa bé vào vào cây khép lại. Cây vẫn tiếp tục ra cành lá sum sê, nhưng một hôm trời nổi cơn giông, cây bị sét đánh ngã xuống sông. Dân làng rủ nhau đến cố kéo thân cây lên nhưng không nỗi. Họ đi tìm Man Nương. Nàng tháo dải yếm ném ra sông và nói “Nếu con là con của mẹ thì hãy vào đây.” Thân cây bỗng nhiên trôi vào bờ. Thái Thú Sĩ Nhiếp ,sau đó, cho người đẽo thân cây thành bốn bức tượng tứ pháp. Bên trong lại còn một hòn đá phát sáng. Đó là người con út, gọi là Đức Thạch Quang. Hiện nay trên bàn thờ bà Pháp Vân có một chiếc hộp đựng viên đá đó. Man Nương sau khi chết được thờ ở chùa Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Sư Khâu Đa La sau đó ra đi, để lại cho Man Nương một cây tích trượng dùng để cầu mưa khi trời hạn hán để cứu muôn dân.

DuKhaoPhuongBac6_01

Tam quan chùa Phật Tích nằm trên sườn núi.

DuKhaoPhuongBac6_02

Bên ngoài tam quan, hai bên cổng vào có 10 tượng thú bằng đá: sư tử, voi, tê giác, ngựa, trâu, mỗi loại 2 con, nằm đăng đối hai bên cửa. Tất cả đều có bệ hoa sen. Đây chỉ là những vật trang trí hay còn diễn đạt một ý nghĩa nào đó liên quan đến Phật pháp? Có lẽ, tùy vào người thưởng thức. Dù sao, đó cũng là những tác phẩm điêu khắc đá nguyên khối từ thời Lý. Chùa Phật Tích tên chữ là Vạn Phúc Tự. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chùa được dựng từ thế kỷ thứ 7, nhưng được trùng tu và mở rộng bởi vua Lý Thánh Tông vào năm 1057. Sử sách kể rằng sau một lần du ngoạn tại núi Tiên Du, nhà vua cảm khái viết ra một chữ Phật dài 5m và cho khắc vào núi đá. Vua cũng cho xây một tháp cao, và đặt vào trong đó một bức tượng Phật A Di Đà bằng đá dát vàng. Sau này tháp bị đổ người ta mới thấy tượng lộ ra. Tượng này hiện nay được xem là bảo vật quốc gia (có một phiên bản làm theo nguyên bản đặt ở Bảo Tàng Lịch Sử, Hà Nội, và một phiên bản lớn hơn ở trên núi.)

DuKhaoPhuongBac6_03

Tượng Phật A Di Đà ngồi thiền trên tòa sen bằng đá xanh, cao 1, 85m có tuổi gần ngàn năm (nhưng hình như không có dát vàng như sử liệu cho biết). Vua Trần Nhân Tông cũng đã xây một thư viện lớn trong chùa, gọi là thư viện Lạn Kha và một hành cung gọi là cung Bảo Hoa. Nhà vua đã sáng tác một tập thơ 8 quyền, tiêu đề là Bảo Hoa Dư Bút. Vua Trần Nghệ Tông đã mở khoa thi Thái Học Sinh ở đây. Thời Lê Hy Tông, năm 1686, bà Trần Thị Ngọc Am, phi tần của Chúa Trịnh Tráng rời bỏ Phủ Chúa về đây tu hành và mở mang ngôi chùa với qui mô rất lớn. Nhưng hầu như mọi thứ đều bị hủy diệt vào năm 1947 khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1959 ngôi chùa được dựng lại sơ sài để giữ pho tượng Phật A Di Đà. Năm 1991, chùa bắt đầu được phục dựng như kiến trúc cổ, nhưng hình như được tô vẽ thêm hơi nhiều, nhất là các pho tượng được thếp vàng quá rực rỡ.

DuKhaoPhuongBac6_04

Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề

DuKhaoPhuongBac6_05

Bức tượng Hộ Pháp được ghi chú là Phật Ác Hộ Pháp! Những người thuộc cơ quan văn hóa phụ trách trùng tu ắt phải có óc khôi hài đáng nể! Một tu sĩ Phật giáo chắc không dám giễu cợt như thế.

DuKhaoPhuongBac6_06

Và dĩ nhiên cũng có Ông Thiện Hộ Pháp! Hai ông ngồi trên hai con thú nhe răng cười! Vào chùa thấy tượng như thế thật là vui!

DuKhaoPhuongBac6_07

Đây cũng là hai ông Hộ Pháp đứng chung với nhau. Nhìn tượng này, người ta phải xua đi những ý nghĩ bất thiện ra khỏi đầu óc kẻo ông Ác cho một đấm thì nguy.

DuKhaoPhuongBac6_08

Các tượng La Hán được thếp vàng chói chang.

DuKhaoPhuongBac6_09

Nhà Tổ

DuKhaoPhuongBac6_10

Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (?-594) , người Ấn Độ, sang nước Nam vào năm 580.

DuKhaoPhuongBac6_11

Trúc Lâm Tam Tổ: Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang.

DuKhaoPhuongBac6_12

Tượng táng thiền sư Chuyết Chuyết (thế danh Lý Thiên Tộ, sinh năm 1590 tại Phúc Kiến, pháp danh Hải Trừng, hiệu Viên Văn) thuộc dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 34, người đã cùng với đệ tử là Minh Hạnh từ Trung Quốc sang nước Nam vào năm 1633 và được vua Lê và Chúa Trịnh sùng mộ. Ngài được thỉnh trụ trì chùa Phật Tích 10 năm, sau đó sang trụ trì chùa Bút Tháp năm 1642. Ngài viên tịch năm 1644 và di cốt của ngài được đặt trong tháp Báo Nghiêm. Năm 1988 xảy ra một vụ đào tháp để trộm cắp. Bọn trộm đào và quăng ra ngoài tháp hũ sành đựng di cốt của ngài (được bó thành tượng). Năm 1993, các nhà khoa học đã dùng phương pháp tạo hình Guerasimov để phục nguyên khuôn mặt và toàn bộ di hài của ngài.

DuKhaoPhuongBac6_13

Tượng ba vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông. Cả ba vua đều rất mộ đạo.

DuKhaoPhuongBac6_14

Phủ Chúa, nơi thờ bà Trần Thị Ngọc Am, người có công lớn trong việc trùng tu chùa.

DuKhaoPhuongBac6_15

Tượng bà TRần Thị Ngọc Am, hai bên có thị giả và sau lưng có tượng Quan Âm Chuẩn Đề.

DuKhaoPhuongBac6_16

Ngoài vườn có tượng Phật Thích Ca ngồi dưới gốc cây bồ đề. Gần đó có một số cây do các nhà lãnh đạo chính trị trồng lưu niệm, có gắn biển tên cùng chức vụ.

DuKhaoPhuongBac6_17

Phía sau Phủ chúa có bậc cấp và đường đi lên 32 bảo tháp thờ các vị cao tăng, được xây bằng đá và gạch nung vào thế kỷ 17.

DuKhaoPhuongBac6_18

Con đường dẫn lên đỉnh núi. Trên sườn núi trồng nhiều thông và bạch đàn.

DuKhaoPhuongBac6_19

Tháp Vạn Phật, được dựng trong những năm gần đây.

DuKhaoPhuongBac6_20

Phiên bản tượng Phật A Di Đà cao 27m dựng trên đỉnh núi.

DuKhaoPhuongBac6_21

Cùng với tượng Đại Phật, nhà nước có kế hoạch xây Quan Âm Viện, Trung Tâm Tu Tập Phật Tích, phục dựng Ao Rồng, vườn hoa mẫu đơn, vườn đá, rừng thông, v.v. Các cơ quan văn hóa gần đây cũng tổ chức ở đây lễ hội mùa xuân với hội với các cuộc thi thơ, bình thơ, thi đấu cờ tướng, chọi gà, hát quan họ, v.v. Mục tiêu của nhà tổ chức là biến nơi đây thành một trung tâm du lịch lớn, thu hút không những tín đồ đạo Phật, mà còn khách du muốn hưởng nhàn theo Đạo giáo, văn nhân thi sĩ và mọi tầng lớp dân chúng đến vui chơi trong những lúc có thời giờ nhàn rỗi. Nhưng trung tâm tu tập thì cần không gian yên tĩnh, vắng lặng, khu vui chơi thì tạo không khí ồn ào náo nhiệt. Chưa biết nhà đầu tư có đạt được mục tiêu của mình không.

 

Comments are closed.