DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI – Kỳ 2
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Nghe tên làng Phụ Ổ, nhiều người thấy lạ tai. Nhưng còn tên xóm bên tay trái con đường thì sao?
Xóm Rậy. Quanh đây còn có vài địa danh nghe “ngứa” lỗ tai hơn nữa: Cửa Trữa, La Hả.
Còn làng An Đô, Bồn Trì, Bồn Phổ – cũng ở gần đây- nghe có quen tai không? Thật ra tên làng trong tỉnh Thừa Thiên có tới hàng trăm, ai mà biết cho hết được! Và cũng không biết được ý nghĩa vì nhiều nơi, tên đất, tên làng, người ta mượn âm của người Chàm, cư dân trước đây.
Con đường nắng gió đưa chúng ta đến xã, bây giờ là phường Hương Chữ, và đi ngang Cồn Ràng. Đây là một địa danh bị xóa sổ khi làm con đường này. Nhưng đây là một di chỉ khảo cổ quan trọng. Ở đây người ta đã tìm thấy hàng trăm hiện vật như lu, vại, đồ trang sức, v.v. của nền văn hóa Sa Huỳnh, cách đây khoảng 2.500 năm. Trong đó, nhiều nhất là mộ chum. Ai chưa thấy mộ chum có thể vào nhà Bảo Tàng Lịch Sử, bây giờ tạm đặt trong Di Luân Đường, ở trường Hàm Nghi cũ, để xem, hay đi sang Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng, bên Lào (!)
Khi đi đến gần nhà máy xi măng Luks (đầu tư của Hồng Kông, nhãn hiệu Kim Đỉnh), hai lãng tử rẽ tay trái để đi lên làng Sơn Công và Lại Bằng, và đi tiếp lên nhà máy thủy điện Hương Điền, đích cuối của cuộc đi chơi (vì tới đó thì không còn đường đi lên thượng nguồn sông Bồ), cách đường tránh Huế hơn 7km.
Đây là con đường ven sông Bồ thuộc địa phận làng Lại Bằng. Bờ sông khá cao so với mặt nước. Nhưng trước đây, vào mùa lụt, nước vẫn dâng lên tàn phá ruộng vườn, nhà cửa. Bây giờ thì người ta đã làm bờ kè để ngăn xói lở và làm đập thủy điện để trị thủy. Phía thượng nguồn là núi non thuộc dãy Trường Sơn. Bên kia sông là làng Cổ Bi. Xa hơn nữa là suối nước nóng Thanh Tân.
Làng Lại Bằng có đặc sản thanh trà ngon nhất Thừa Thiên (so với thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán, và Bằng Lãng). Nhìn vào vườn đã thấy trái thanh trà ra chi chít, nhưng phải đợi hai tháng nữa, vào lúc thời tiết nắng nóng hơn, trái mới ngon!
Từ bờ sông, có đường rẽ trái (đường đất), đi vòng vèo qua vài khoảnh vườn cao su khoảng hơn 1 km thì gặp đường nhựa dẫn lên nhà máy thủy điện.
Đây là con đường xẻ ngang qua núi đá. Có thể thấy đường dây điện trên cao.
Hình ảnh thông mọc lên từ vách đá thật là đẹp. Có thể thấy điều kiện sống rất khó khăn mà cây vẫn đầy sức sống!
Tiếp đó là bãi khai thác đá.
Lãng tử tạm dừng, nhường chỗ cho xe tải chở đá vì bụi bốc lên mù mịt.
Đá granite đã được nghiền thành sạn, phục vụ cho việc xây dựng.
Nhìn lên cao, cách mặt đường 20-30m, giữa trời nắng chang chang, công nhân vẫn làm việc miệt mài. Và nơi làm việc trông khá nguy hiểm.
Con đường quanh co đi lên, cũng có khi dốc xuống, nhưng cuối cùng cũng dẫn đến bờ sông. Ở đây cách mặt nước khoảng 40m (ước lượng chủ quan!)
Nước sông xanh biếc, có thể thấy tận lòng sông.
Cổng nhà máy kia rồi. Nhưng bảo vệ nhà máy không cho phép vào tham quan. Ừ, chỗ người ta mần ăn chứ đâu phải chỗ chơi!
Chỉ có thể đứng ngoài nhà máy chụp hình đập nước từ xa.
Bây giờ đang là mùa khô cho nên người ta đang đóng cửa đập để tích nước, phát điện, nên không thấy nước tuôn ra.
Nguồn sông Bồ ở độ cao khoảng 1.400m, thuộc huyện A Lưới. Hồ nước chứa hơn 800 triệu mét khối. Chiều cao cột nước khoảng 47m. Mỗi năm phát chừng 350 triệu km/h điện.
Nhà máy được xây từ năm 2005, ngăn sông năm 2006, và phát điện từ năm 2010.
Thôi thì quay ngựa về đường cũ. Nhưng không thể không ngoái đầu nhìn lại dòng sông Bồ xanh biếc.
Trần Ngọc Bảo
Lê Đức Thiệp.