DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI – Kỳ 4
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Từ nhà Bùi Thị Nhàn ra, Hoa Lý K1B xin cáo lui vì sợ trời nắng tim sẽ loạn nhịp. Nhóm chiến binh lên ngựa sắt, đi tiếp con đường từ Hương Cần ra làng La Vân Thượng và rẽ trái qua làng Phước Yên, dự tính sẽ ra làng Bao La thăm mộ Nguyễn Ngọc Lâm.
Bên phía trái con đường là một chi lưu của sông Bồ, bao bọc làng Phước Yên ở ba hướng đông, tây và nam. Trên sông rải rác có vài bè nuôi cá. Đằng xa là dãy Trường Sơn.
Phước Yên nay thuộc huyện Quảng Điền, là nơi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) chọn làm nơi đặt phủ chúa vào năm 1626 (cho tới năm 1636). Trước đó, Nguyễn Hoàng (1558-1613) đặt dinh (sở chỉ huy) ở Ái Tử, rồi Trà Bát và Dinh Cát, thuộc Quảng Trị.
Trước đây, dân làng Phước Yên thường được tuyển vào hai đơn vị phụ trách nấu ăn trong cung là Ty Lý Thiện, chuyên làm cỗ bàn cúng tế, yến tiệc, và Ty Thượng Thiện, chuyên nấu cơm cho vua.
Ngày nay làng Phước Yên chuyên trồng rau má. Quanh làng, ruộng rau má mênh mông.
Người dân đang thu hoạch rau má.
Nằm giữa cánh đồng rau má là miếu thờ tướng Nguyễn Hữu Dật (1604-1681), một trong bốn khai quốc công thần đời các chúa Nguyễn (ba người kia là Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Cảnh – con của Nguyễn Hữu Dật). Cha ông cũng làm tướng : Nguyễn Triều Văn, và ba con đều làm tướng (ngoài Nguyễn Hữu Cảnh, còn có Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Dũng).
Sau lưng miếu là ụ Ông Voi, tương truyền là mộ một con voi chiến.
Vượt qua chợ Trà Kệ, qua làng Thanh Lương, lẽ ra có thể theo đường làng khoảng 2 km ra quốc lộ 1, tiểu đội trưởng Uynh lại lệnh cho đồng đội rẽ tay phải, dọc theo sông Bồ, tìm đường tắt ra cầu Tứ Phú. Khi thấy con đường dẫn đến cầu Tân Xuân Lai, kế đó là cầu Niêm Phò, chiến binh Bảo biết là đã lạc đường, vì như thế là đang quay trở lại làng Hương Cần, bèn báo với tiểu đội trưởng tập hợp đồng đội tại cầu Niêm Phò, uống nước mía và hỏi lại đường đi.
Sau khi nghỉ ngơi khoảng 15 phút, tiểu đội lên đường. Lần này con đường lại dẫn đến làng Bác Vọng và đi ngang qua lăng Đặng Hữu Phổ, là liệt sĩ thời Nguyễn. Ông là con của Phò Mã Đặng Huy Cát và Công Chúa Tĩnh Hòa (tức nhà thơ Huệ Phố). Ông đỗ cử nhân năm 1878 và làm quan tới chức Thị Độc Học Sĩ (ở Hàn Lâm Viện). Ông cùng cha được Thượng Thư Tôn Thất Thuyết giao chuẩn bị căn cứ kháng chiến Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) và lập đội nghĩa quân Đoàn Kiệt. Khi Tôn Thất Thuyết đánh Tòa Khâm thì ông cũng đánh vào Huyện Nha Quảng Điền. Trận đánh thất bại. Ông và cha đều bị bắt. Phò Mã Đặng Huy Cát bị án chém, nhưng chưa giết ngay, còn ông bị xử tử tại bến đò Quai Vạc, làng Bác Vọng. Tại đây dân làng lập miếu thờ ông, gọi là miếu Thị Độc.
Mộ và bia Đặng Hữu Phổ
Mộ Công Chúa Tĩnh Hòa, mẹ Đặng Hữu Phổ ở bên cạnh.
Các chiến binh dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng.
Bác Vọng nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, lại là nơi chúa Nguyễn Phúc Chu chọn làm nơi đặt phủ chúa vào năm 1712 (cho đến năm 1738, đời chúa Nguyễn Phúc Chú).
Từ làng Bác vọng đi ra thì gặp đình làng Bao La, ngôi làng có nghề truyền thống đan thúng mủng bằng mây tre.
Mộ Nguyễn Ngọc Lâm nằm cách đình làng khoảng 1km, trên một gò đất cao, cạnh cánh đồng, không xa đường cái.
Lâm mất năm 1969 khi còn học lớp đệ nhị B (lớp 11) vì bị một người bệnh tâm thần trong xóm đánh trên đầu từ phía sau. Bạn bè thương tiếc vì Lâm là một học sinh giỏi, nhất là môn Toán.
Đội chiến binh Á Rập ăn trưa tại thị trấn Tứ Hạ và nghỉ ngơi bên cạnh dòng sông bồ, gần cầu Tứ Phú (cầu nối Tứ Hạ với Quảng Phú).
Con đường ven sông có hai hàng cây im mát và nhiều quán bán nước mía, nước dừa và cà phê.
Chiến binh Phan Hương khoe hình trong ipad.
Từ thị trấn Tứ Hạ nhóm chiến binh đi lên đường tránh Huế, chạy về hướng cầu Tuần để đi đến Chín Hầm thăm mộ Nguyễn Hữu Tuấn.
Bên phải con đường là nhà máy xi măng Luks. Khi đó có một đoàn tàu chạy ngang.
Phía xa xa là dãy núi đầu nguồn sông Bồ, nơi có nhà máy thủy điện Hương Điền.
Bên phải con đường là những cánh đồng lúa sát chân núi. Bên trái là các làng mạc.
Đoạn đường xuyên qua núi đá.
Núi Kim Phụng và trụ điện cao thế, một cột mốc quan trọng ở bên phải con đường.
Qua cầu Tuần, nhìn sang phải có thể thấy ngã ba sông: Tả Trạch bên tay trái, Hữu Trạch bên tay phải, và trước mặt là sông Hương, do hai sông này hợp thành.
Phía trước mặt, chếch về bên phải là núi Tứ Tượng, nơi có tượng đài BồTát Quán Thế Âm.
Sau khi chạy qua lăng Khải Định một đoạn có con đường rẽ phải qua Chín Hầm, đi ngang qua chùa Kim Đài
(nơi thầy Phạm Văn Ấm, giáo sư Anh Văn, cư trú và học đạo một thời gian sau khi nghỉ dạy).
Đội chiến binh được Nghiêm, cháu gọi Tuấn bằng chú, dẫn đến khu mộ bên trái hầm số 1 trong khu Chứng tích Chín Hầm.
Người cháu đang đi tìm vì không nhớ chính xác, phải gọi điện về nhà hỏi.
Nguyễn Hữu Tuấn là liệt sĩ cách mạng, tử trận năm Mậu Thân 1968 tại Hà Trữ, huyện Phú Vang.
Tiểu đội chiến binh Á Rập ngồi nghỉ trong bóng mát của rừng thông để chiêm nghiệm số phận lạ lùng của dân tộc: thầy, bạn đi về hai phía của chiến tuyến.
Cầu mong sao chúng ta có đủ tình thương và trí tuệ để nuôi dưỡng nghĩa tình, tình bạn và tình người.
Các chiến binh đi về hướng đường Tam Thai,nghĩa trang thành phố, để thăm mộ bạn Lê Thị Kim Chi. Trong biến cố Mậu thân, trên đường di tản từ bãi sông Hương, trước trường Kiểu Mẫu bằng tàu đổ bộ về hướng đường Chi Lăng, tàu bị bắn, và gia đình Kim Chi mất người mẹ và ba người con gái (kể cả Kim Chi). Nhóm thắp hương cho cả gia đình, trong đó có mộ cha, mẹ, mẹ kế, các chị, v.v.
Tiểu đội cũng đi thăm mộ thầy Đặng Minh Trai, giáo sư Anh Văn, nằm trên đồi cao, cách mộ Kim Chi chừng 100 m.
Mộ thầy Đặng Minh Trai. Thầy mất năm 1980 vì bệnh ở nước ngoài.
Mộ của Cao xuân Thanh Phương, bác sĩ ở Biên Hòa, Đồng Nai. Bác sĩ cũng không tránh khỏi bệnh tật và ra đi vì bệnh .
Mộ Phương nằm sau lưng chùa Trúc Lâm.
Chiến binh Phan Hương cười tươi rói trước mộ bạn.
Sống chết là lẽ thường, phải chấp nhận thôi. Cứ sống cho hết mình, hết tình thì ra đi thanh thản.
Các chiến binh đứng trước mộ tiền đạo đội bóng Kiểu Mẫu Nguyễn Văn Cư, ở gần núi Ngự Bình.
Bây giờ là mùa World Cup đó Cư ơi! Cư có còn hứng thú với bóng đá nữa không?
Nguyễn Văn Cư mất vì nhiễm vi trùng uốn ván trong khi đang lao tác trong trại huấn luyện quân sự Phú Bài năm 1969.
Tới đây, đội chiến binh kết thúc một ngày hành quân, đi về quán cà phê Hoàng Hạc nghỉ giải lao.
(còn tiếp)