DU KHẢO PHƯƠNG BẮC (12)
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A
Ngày 6 -12-2014
Lạng Sơn
Lạng Sơn hay xứ Lạng là một địa danh xuất hiện nhiều lần trong các bài học lịch sử cho học sinh từ cấp tiểu học tới trung học, và trên thực địa, đây là nơi “nghênh đón” đầu tiên các cuộc “viếng thăm” của các đoàn quân “hữu nghị” từ các triều nhà Tống, rồi Mông-Nguyên, rồi Minh, Thanh và gần đây là quân “thiên triều” cho nên ai ai cũng có một niềm xúc động nào đó khi có dịp viếng thăm nơi địa đầu đất nước.
Từ Bắc Giang, chúng tôi được cháu của anh bạn dẫn lên xứ Lạng bằng xe đò. Đây là một phương tiện di chuyển rẻ tiền. Tuy nhiên, điều bất tiện là khi đi ngang qua một cảnh đẹp, hay một di tích lịch sử, chẳng hạn, ải Chi Lăng, hành khách không thể yêu cầu lái xe ngừng lại để ngắm nhìn.
Thôi thì đành hài lòng với những gì thấy được trên đường đi.
Quốc lộ 1A đi lên xứ Lạng được tráng nhựa tốt, mỗi bên có hai làn xe. Hai bên đường, nhà cửa thưa thớt, quang cảnh gây ấn tượng là núi non trùng điệp.
Núi có dáng dựng đứng. Dáng núi như thế này có thể thấy ở nhiều nơi khắp miền Bắc. Hòn non bộ ở vườn cảnh ngoài Bắc cũng cao chớn chở như hình răng cưa. Đồng ruộng chỉ là những dải hẹp. Thực chất, đây là các thung lũng nằm giữa các ngọn núi.
Khi đến thành phố Lạng Sơn, chúng tôi đón xe khách nhỏ 6 chỗ ngồi lên thẳng của khẩu Tân Thanh, cách bến xe thành phố khoảng 28km (cách Hà Nội 180km). Trong hình là một chiếc xe tải đang đứng trước cửa khẩu, phía bên kia biên giới là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Ở bên đất Việt có chợ Tân Thanh và 4 trung tâm thương mại, nhưng không lớn so với trung tâm phía bên kia cửa khẩu. Hàng hóa, từ giày dép, áo quần, đồ điện, điện tử, đại đa số là made in China. Núi đá đứng sừng sững ngay sau lưng phố xá, tạo ra khung cảnh thật lạ mắt.
Chợ Tân Thanh, một “thiên đường mua sắm” của người ngoài Bắc vì hàng hóa ở đây rất rẻ, giá chỉ bằng 1/3 hay cao lắm là bằng 1/2 giá ở Hà Nội. Tuy nhiên, giá hàng công nghiệp ở Hà Nội cao hơn hàng ở Sài Gòn nhiều.
Chúng tôi đi thăm chợ một vòng. Anh bạn có mua 10 đôi tất (vớ) giá 35.000 đ (giá ở Sài gòn, bán ở lề đường là 70.000đ) và 1 chiếc ví da giả 20.000đ (giá ở Huế là 40.000đ).
Cửa khẩu Hữu Nghị lớn hơn Tân Thanh, cách đây chừng 10km, với lượng hàng hóa qua lại lớn hơn nhiều. Nhưng chúng tôi không muốn đi đến. Nơi chúng tôi muốn đến thăm là ải Nam Quan, nhưng người địa phương cho biết cửa ải không còn nữa. Anh bạn láng giềng 4 tốt đã xây lại cửa Nam Quan năm 1957, và đổi tên thành Hữu Nghị Quan năm 1965. Theo cuốn Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ xuất bản năm 1926, cửa Nam Quan cách Đồng Đăng 5km, cách phố Kỳ Lừa 15km, cách Hà Nội 167km, thuộc châu Văn Uyên, trấn Lạng Sơn.
Chúng tôi đón xe trở về phố Lạng ngay sau đó. Đi ngang ải Chi Lăng và tượng đài chiến thắng, xe đò không dừng nên bây giờ đành tìm một tấm ảnh trên mạng.
Ải Chi Lăng (Nguồn: Internet) cách Hà Nội 105km, ngày xưa đèo dốc hiểm trở, với nhiều ngọn núi thấp như: Kỳ Lân, Mã Yên, Hàm Quỷ, Phượng Hoàng, Nà Nông, Nà Sản, v.v. người,ngựa qua rất khó, ngày nay đường đi bằng phẳng, thông thoáng.
Vào thế kỷ thứ XV, Tể Tướng triều Trần Phạm Sư Mạnh đi tuần thú qua đây đã thốt lên : Lâu phong bạt mã cao hồi thủ (trước gió ghì cương ngựa, lên cao ngoảnh đầu nhìn) Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề (Chi Lăng ải hiểm tựa lên trời).
Tượng đài Chiến Thắng (nhìn sau lưng, nguồn: Internet)
Tương đài Chiến Thắng Chi Lăng (mặt trước, nguồn: Internet)
Từ bến xe Lạng Sơn đi qua bên kia đường chúng tôi thấy biển đề phố Kỳ Lừa chợt nhớ đến câu ca dao:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Phố Kỳ Lừa nổi tiếng là đây. Phố này khá hẹp, với con đường rộng khoảng 4m, chạy bên hông chợ.
Phố Kỳ Lừa: các cửa hàng có mặt tiền hẹp. Hàng hóa từ trong cửa hàng lấn ra, choáng gần hết lề đường.
Đồng Đăng trở thành thị trấn và đã bị người Pháp dời đi chỗ khác rồi. Chúng tôi thuê xe taxi đến thăm nàng Tô Thị, cách phố Kỳ Lừa khoảng 2km, thì tài xế dừng lại ở đây, và chỉ cho chúng tôi xem tượng đá, nằm chênh vênh trên sườn núi.
Khối đá có hình người ôm con đứng chờ chồng gợi hứng cho hai câu chuyện: một là cổ tích dân gian, khá “éo le, bi thảm,” kể rằng hai anh em nhà nọ, vì một biến cố phải sống xa nhau từ nhỏ, khi trưởng thành, tình cờ gặp gỡ và kết hôn với nhau. Một ngày nọ, người chồng phát hiện ra dấu sẹo trên đầu do anh gây ra cho người em gái và biết rằng mình đã lấy em. Chàng ta bỏ nhà ra đi, với cớ đi làm ăn xa. Người vợ không biết lý do thật sự cho nên ngày ngày ôm con lên núi ngóng trông chồng và cuối cùng biến thành tượng đá. Còn nhạc sĩ Lê Thương thì sáng tác bản trường ca Hòn Vọng Phu kể chuyện người chồng phải đi lính, người vợ chờ chồng đến khi không còn chờ được nữa và khi chồng về chỉ còn thấy dấu chân nàng hằn trên núi đá.
Chuyện “cổ” thời nay là khối đá đó đã bị đổ sụp vào năm 1991. Trong hình là khối bê tông mô phỏng nguyên bản của “tạo hóa”. Vài ngày sau khi nàng Tô Thị bị cho là đã đi lạc vào lò nung vôi, báo chí làm “rùm beng”, có hai người bị bắt. Một người bị giam 1 tháng, người kia 6 tháng. Hai người bị bỏ tù không có lệnh lạc của tòa án, khi được thả cũng không có giấy tờ minh oan, cho nên suốt quãng đời còn lại tự mình cố sức “thanh minh, thanh nga”.
Báo Giáo Dục (bản điện tử trên mạng internet) lại kể chuyện một giảng viên đại học môn địa lý lọ mọ trèo lên núi để xem xét hiện trường và kết luận là đá tự trượt xuống núi vỡ tan do mưa nắng. Không có nhà chức trách hay cơ quan văn hóa nào xác nhận cuộc điều tra “tự phát” của ông thầy địa ấy. Họ chỉ lặng lẽ kêu người đúc bê tông nàng Tô Thị để cho dân chúng khỏi “ca cải cách”. Còn anh tài xế taxi lại kể một câu chuyện khác, nhưng không thể xác minh cho nên không ghi ra ở đây. Xứ ta là xứ có nhiều chuyện cổ tích không kể xiết.
Từ vị trí ngắm nàng Tô Thị nhìn sang phải khoảng mấy chục bước, chúng tôi nhìn thấy “kỳ quan” thứ ba của xứ Lạng là động Tam Thanh.
Đi vào động phải bước lên mấy bậc cấp.
Trong động có bàn thờ Phật và các vị thánh thần. Bức tường động có nhũ đá làm bằng xi-măng.
Bên cạnh bàn thờ Phật là Cung Đức Ông.
Đằng xa có cung Thánh Mẫu.
Đây là bàn thờ Ngô Thì Sĩ (1726-1780), nhà sử học, nhà văn, vừa là nhà thơ, có thời làm Đốc Trấn xứ Lạng, là người phát hiện động Nhị Thanh và góp phần tạo lập ra điểm du lịch kỳ thú này.
Cung Sơn Tràng, có lẽ thờ thần núi. Nhưng nhũ đá giống như cột đền rất cân đối, và các sợi đá rũ xuống giống như bức rèm – có lẽ đây là công trình của con người chứ không phải của “ông trời”. Hòm công đức có ghi lời cám ơn rất lịch sự.
Nhũ đá được đặt tên là “cây ngô đồng” cũng là tác phẩm copy. Nguyên bản chắc là các ông “con trời” đã “nghịch phá” khi viếng thăm động vào năm 1979.
Lối lên Hang Dơi và lối xuống ÂmTy. Vách đá và bậc cấp trông không được “tự nhiên” cho lắm.
Cửa Thông Thiên
Vách đá nhân tạo, một công trình cố gắng mô phỏng vách “thiên tạo” và đèn chiếu sáng hơi “ma quái”.
Chỗ thông từ động Nhị Thanh sang động Tam Thanh.
Đi theo các bậc đá hơi tối trong động Tam Thanh, đột nhiên chúng tôi bước ra chỗ sáng lòa và thấy mình đứng trước cổng đề chùa Tam Thanh.
Chúng tôi cũng thấy có một lối đi lên cao nữa ghi là Lầu Vọng Thị, nhưng cứ ngỡ đó là một quán hàng gì đó nên không lên. Sau này mới biết lên trên đó sẽ nhìn thấy tượng nàng Tô Thị và phế tích thành nhà Mạc.
Dù chuyến đi thăm xứ Lạng rất ngắn ngủi, chúng tôi cũng cảm thấy bằng lòng vì đã đi ngang qua ải Chi Lăng vang danh trong lịch sử, được thấy phố Kỳ Lừa trong ca dao, hình dáng nàng Tô Thị trong cổ tích và chùa Tam Thanh của cư sĩ Nhị Thanh (đạo hiệu của danh sĩ Ngô Thì Sĩ).