Giới Thiệu nhạc Nguyễn Tư Triệt

Bia nhac_s

Bia lung_s

hinh giua_s

Như đôi tình nhân của Chagall

Mỗi lần nghe ai đó hát một ca khúc của Nguyễn Tư Triệt tôi luôn cảm thấy ấn tượng về một màu xanh trong trẻo: màu của cây xanh, của bầu trời  và của ước mơ.

Nơi nhạc điệu và ca từ của anh là vẻ quý phái duyên dáng trước đây từng thấy trong những bài hát về Huế đầu thế kỷ 20, đồng thời lại có nét sôi nổi, phóng khoáng từ hơi thở cuộc sống hiện tại. Anh không tìm cách mô phỏng giọng nói và dân ca địa phương nhưng trong những bài hát của anh,chất Huế thấm sâu trong từng lời từng nốt nhạc, không phải chỉ bằng cái vỏ ngôn ngữ mà từ sâu thẳm linh hồn của một vùng đất.

“Đố em biết nơi nào có đồi xanh ven phố, đường quanh co về lăng vua nắng hẹn hò”. Đấy chính là hình ảnh đất quê nhà, “nơi có mù thu ngắn”. Mùa thu thoáng qua của Huế như một kkhoảng thời gian ân sủng, chút thời khắc đủ đẹp và mơ mộng để nhắc nhở bao ký ức ngọt ngào của đời người:

Nhớ hôm nào hẹn em đến chơi
Gió mơn hoa sầu đông trước ngõ
……
Khi nắng vàng về khuất chân mây
Hoa sầu đông tìm về giấc ngũ
Con bướm nhỏ bỏ vườn lên cây
Anh một mình ngõ vắng xót xa
(Sầu đông trước ngõ)

Như đa số người Huế, Nguyễn Tư Triệt yêu thơ. Nhiều bài hát của anh lấy cảm hứng từ đó: Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, Miền quê của Nguyễn Khoa Điềm, Cuối ngõ hoàng thành của Phan Như, Mưa của Trần văn Phương. Cả những ca từ của riêng anh cũng có thể xem là những bài thơ đẹp:

Sóng vẫn đều bên kia triền cát
Người đi rồi còn nhạt vết chân
Nghe vi vu lanh lùng tiếng gió
Qua hiên đời đàn bặt tiếng ngân

Em cứ đi đừng quên để lại
Cơnn mơ nào theo suốt đời ta
Sẽ nâng niu từng con sẹo nhỏ
Trên da đời chồi sé đâm hoa …
(Mỗi lúc qua đi)
Khi không mà sao người đứng lại
Ai có hẹn hò ai đâu?
Đôi mắt xinh nhìn ai như muốn nói
Ta lạ lùng cứ thấy lòng phân vân …
(Một thoáng tình cờ)

Với Nguyễn Tư Triệt, nhạc cũng là thơ, và tình yêu quê hương luôn gắn bó với tình yêu đôi lứa, bởi như ai đó đã từng định nghĩa: Quê hương là nơi người yêu ở.
Trong tập ca khúc này nhac sĩ đã ghi nhiều kỷ niệm đẹp của đời mình:

Thồ em đi
Thồ em về
Hai vòng xe lăn mấy nẻo đường tình
Bố cháy triêng bung lip mòn chẳng ngại
Con đường gập ghềnh tay lái rung rinh

Em hãy ôm ta ôm tình lận đận
Ôm cuộc đời đâu cứ mãi lênh đênh

Thồ em đi từ thuở hai mươi
Một sớm mai đây vừa hết phận người
Đưa em về rồi mai ta nhớ
Người vẫn còn nhau mà lạc nhau đó thôi
(Những vòng xe)

Không phải ngẫu nhiên mà bài hát “Những vòng xe” và “Su Su” lại được tác giả đưa lên đầu tập nhạc. Đấy chính là lời đề từ của một quãng đời dài lâu và hạnh phúc. “Con đường gập ghềnh tay lái rung rinh” mà chàng lãng tử Nguyễn Tư Triệt đã đi cùng với một người từ thuở hai mươi cho đến bây giờ. Những tấm ảnh trong tập nhạc này chính là hình ảnh của người yêu-người vợ, nguồn cảm hứng của nhạc sĩ đã mơ ước sẽ cùng “mãi miết đi tìm một cõi trời bên nhau” (Hồ thiên nga)

Họ sẽ mãi đi trong không gian ngọt ngào của Huế, như đôi tình nhân của Chagall vẫn hoài bay trên nền trời, trong bức tranh bất hủ.
Ta hiểu vì sao trong tập tình ca này, sao đủ giai điệu buồn vui, hân hoan và xót xa, vẫn toát lên một âm hưởng chung từ niềm tin thiết tha vào cuộc sống. Và như thế, gã tiều phu Nguyễn Tư Triệt với tâm niệm “…giũa rừng đời cây xanh, kiếm gỗ ân tình làm cầu qua sông lạ” dường như đã tới được giấc mơ của mình rồi.

Xin chúc mừng “Khúc hát tiều phu”, và mong sao niềm hạnh phúc của anh sẽ giúp anh viết thêm nhiều ca khúc mới để dâng tăng cho tất cả những người thương yêu nhau trên thế gian.

Huế, 22-5-2003
TRẦN THÙY MAI
(*Trích dẫn lời giới thiệu ở trang 4 và 5)

Comments are closed.