Số Phận Nghiệt Ngã

SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ

Tác Giả: Bùi Quang Kim Định K1A

1-
Hắn xuất thân từ một vùng mà có biển bao quanh nhưng bên này phá nhìn sang bên bờ kia có một ngọn núi ẩn hiện trong sương mù tạo nên một phong cảnh thật hữu tình như một bức tranh thủy mặc. Từ cảng cá Tư Hiền nhìn lên, Túy Vân Sơn có dáng dấp tựa như một con chim phụng đang vỗ cánh.  Theo các vị cao tăng trong chùa, núi Túy Vân ngày xưa có tên là Mỹ Am Sơn, năm đó chúa Nguyễn Phúc Tần trong một lần đi qua Tư Hiền, thấy cảnh nơi đây quá hữu tình nên đã chọn đỉnh núi Mỹ Am Sơn để lập một ngôi chùa nhỏ cầu phúc an dân.  Năm Minh Mạng thứ 6 (2826), nhân dịp đến cửa Tư Hiền, vua ghé thăm Mỹ Am Sơn thấy chùa cổ điêu tàn, hoang vu, mới cho xây dựng lại và đổi tên là chùa Túy Ba. Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được trùng tu và dựng thêm lầu. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) được tiếp tục trùng tu và đổi tên chùa là Túy Vân.

Hắn mô tả cái làng mà hắn sinh ra và lớn lên hầu như cả làng ai cũng nghèo giống nhau, nghèo , rất nghèo, “nghèo rớt mồng tơi” với những đụn các trải dài bao la, quanh năm chỉ trồng được rau màu và những cây ngắn ngày, còn đa số là ngư dân ra khơi bám biền. Hắn nói cha mẹ nó nói đời cha mẹ đã nghèo khó, chỉ biết vô độn chặt cây, mót củi lên Dinh (lên Huế) bán lấy tiền cho gia đình sinh sống và nuôi nó ăn học nên người, cho nên mong muốn duy nhất của ba mạ hắn là phải kiếm cái chữ để đổi đời và cũng chỉ có cái bằng mới được tiến cữ ra làm công chức hy vọng khỏi phải đi lính bỏ xác ngoài chiến trường.

Với bao nỗ lực và quyết tâm dùi mài kinh sử từ một trường Trung học Đệ nhị cấp ở Quận Vinh Lộc nó cũng đạt được tâm nguyện của cha mẹ: Đậu Tú tài toàn phần năm 1970. Ngày báo tin đậu Tú tài cha nó đi khoe khắp xóm mừng rỡ hoan hỉ ra mặt với bao viễn cảnh từ nay đứa con trai mà mình thương quý đã trở thành ông Tú và cũng để làm gương cho đứa em kế nó, nên nhớ cả làng xã nó không có ai học hết Tiểu học chớ đừng nói tới Tú tài ! Để chúc mừng thằng con được ghi tên trên bảng vàng ông đã bắt con heo mọi làm thịt trước cúng tạ lễ  ông bà tổ tiên đã phù hộ cho thằng con nay đã trở thành ông Tú đầu tiên trong cái làng biển nghèo khó này, sau mời bà con giòng họ cùng chung vui, tin vui khắp làng đều biết, ông Thôn trưởng cũng đã mang cau trầu rượu đến chúc mừng gia đình có người đỗ đạt làm vinh hiển cho làng xóm… Với những ly riệu đế chúc tụng của bà con bạn bè trong ngày Đại đăng khoa, với những tình nghĩa, với tâm trạng hân hoan tột đỉnh nó đã nốc cạn đến ly cuối cùng…. Tiệc vui nào cũng phải đến lúc tàn cuộc và nó cũng đã nốc thôn nốc tháo ói đến tận mật xanh mật vàng nhừ tử thể xác nằm liệt giường ba ngày mới trồi dậy, đầu óc quay cuồng dật dờ đờ đẩng, cái nhục thể của hắn chừ như cái xác vô hồn… ., nó không nhớ đã uống bao nhiêu lít nước để dịu cơn khát đắng họng khô khốc trong miệng.

Rồi một tháng cũng qua nhanh. Sau những đêm thao thức toan tính cân nhắc kèm theo những mơ mộng ước vọng của đứa con trai mới trưởng thành, đầu óc nhỏ bé của nó rối tung lên như đứng giữa ngã ba đường- Thi vô trường Võ Bị QGĐL? với khả năng Toán Lý Hóa thì nó dư sức nhưng là nỗi khổ đau của cha mẹ hắn vì giữa làn tên mũi đạn làm răng mà tránh được. Với những suy tưởng mông lung trong đầu óc như lời cha nó văng vẳng bên tai, thôi đành gạt bỏ ước mơ làm người hùng thời đại. Sau nhiều đêm suy nghĩ nó quyết định lên phố (Huế) xin dạy kèm và để tìm kiếm những thông tin các trường Đại Học: -Sư Phạm -Y Khoa – Học viện Quốc gia Hành chánh?…. chưa nói đến sinh ngữ là cái tử huyệt khi nó đụng vô khóa thi nào có dính dấp tới sinh ngữ Pháp. Lựa chọn cuối cùng là vô Đại Học Luật Khoa Huế với bao nhiêu mộng tưởng khi cầm tấm bằng Cử nhân Luật thì giá nào cũng vô Sài Gòn thi vô Đốc sự Quốc gia Hành chánh ra trường không được Phó Quận thì cũng được Trưởng Ty ở một tỉnh lẻ cũng được nhằm thỏa mãn ý nguyện của cha mẹ bao nhiêu năm ấp ủ cũng như ước mơ của hắn sẽ là một công chức trong chính quyền.….

2-
 Không biết có tự bao giờ đến khi tôi lớn lên khoảng 5-6 tuổi thì tôi và gia đình sống chung  tại hiệu buôn tên là K.T tọa lạc tại số 9 đường Trần Hưng Đạo thành phố Huế, chuyên bán buôn những mặt hàng tạp hóa được nhập cảng từ Pháp và cung cấp lại cho các hiệu buôn ở Sài Gòn, Tourane (Đà Nẳng) và Hà Nội trước ngày chia đôi đôi đất nước. Ba Mạ tui vì lo mãi mê buôn bán kinh doanh mà không thể kềm cặp hay dạy vẻ chăm sóc việc học hành của các anh chị em tôi, nên từ tiểu học tôi đã được ông già tống vô nội trú trường Thiên Hựu (Providence). Hồi đó con cái mà giao cho mấy Cha Cố mấy Ma Soeur là hoàn toàn tin tưởng và yên tâm về vần đề giáo dục cũng như hạnh kiểm, cứ chiều Thứ bảy là ông lái chiếc xe đen thùi lùi ( Xe Traction hiệu Citroen của Pháp) đến rước tôi và các em gái tôi ở trường Jeane D’arc về gia đình vui chơi ăn uống cùng các anh chị em và chiều Chủ nhật lại đưa chúng tôi vô trại tập trung. Nhưng tôi lại khoái vô trường hơn vì thích đàn đúm vì thích giao du những thằng bạn Tây lai mũi lõ như thằng Maurice da đen con lão chủ plantation café ở ngoài Khe Sanh, thằng Jean con lão chủ chuyên khai thác gỗ và cao su ở tận bên Lào, thằng Emmanuel con ông chủ nhà đèn gần cầu Kho rèn, thằng Jarc, thằng Michel…v.v.v Tụi nó học cũng khá nhưng hoang đàng chi địa thì không ai bằng. Tôi nhớ như in đến tận bây giờ năm đó (1962) chúng tôi vừa lên lớp bảy (Septième). Ở trong lớp thường thì những đứa học hành nhàn nhàn và hoang đàng phá phách nghịch ngợm thì ưa ngồi dãy ghế sau cùng trong đó có thằng Maurice và tôi, phía trước là hai thằng Emmanuel và Jarc đều là da trắng tóc hoe to con mũm mĩm giống nhau, hai đứa cá độ với nhau mà chúng tôi làm trọng tài người thua sẽ bao một chầu gồm bốn đứa đi bơi ở piscine Cercle Sportif (Xẹc) và ăn kem ở Bạch Đằng, việc thách đấu là cái pénis (con cu) đứa nào khi gonfler lên dài và đẹp thì đứa đó thắng, có lẻ vì giờ étude chỉ ôn bài nên ai cũng tà tà và cũng vì quá căng thẳng  thao tác cho việc hơn thua nên đã quên hết mọi sự xung quanh. Thật bất ngờ (e cha đã nhìn qua cửa sổ) cha Petit Jean lướt nhẹ đến hai con gà đang mãi miết so cựa xách tai hai đứa lên cái bục gỗ dưới cái bảng cha quất hai đứa mỗi đứa mười roi phải bị cấm túc (consigne) ngày Chủ nhật tới, một cuộc cá độ bất thành mà còn bị đòn roi thiệt tội nghiệp cho hai thằng bạn tây lai của tôi, roi mây mà quất như rứa chắc đau khủng khiếp lắm. Sau trận đòn đó hai đứa bị chuyển qua lớp khác và bắt buộc ngồi đầu bàn . Một hình ảnh từ thời còn trai trẻ mài đủng quần dưới ngôi trường biết bao kỷ niệm mà không thể nào quên.
Bắt đầu năm1962 trở đi tình hình chính trị trong nước càng ngày càng biến động, nhiều đảng phái tranh giành quyền lực kết hợp Phật giáo xuống đường làm tình hình đất nước trở nên rối ren phức tạp và đỉnh điểm là cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 lật đổ nền đệ nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tiếp theo sau cách mạng đã khai sinh một nền cộng hòa mới: Đệ nhị Cộng Hòa được điều hành bởi Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch. Bất ổn về chính trị, khó khăn về  tài chánh, kinh doanh buôn bán càng ngày càng sa sút cùng nợ nầng chồng chất và khó đòi, ba tôi đã quyết định bán căn phố 9 THĐ mà lòng tiếc nuối vô bờ để về tìm vui điền viên với cây cảnh hoa lá chim muông trong vườn rộng cả mẫu tây tại  làng Vạn Xuân thành phố Huế.


Khoảng thời gian đó tuy tôi còn nhỏ nhưng đã có những suy nghĩ và nhìn thấy được khi thấy Ba tôi làm ăn càng ngày càng xuống dốc thê thảm, những bữa cơm gia đình lại thiếu vắng bóng dáng của Ba tôi, những khó khăn của gia đình phải đối mặt và năm đó anh em chúng tôi không còn học nội trú nửa mà chuyển qua học ngoại trú (externe).

Sáu năm trau dồi kinh sử cuối cùng tôi tôi cũng tôi cũng lấy được mảnh bằng Tú tài II. Việc đầu tiên là bay vô Sài Gòn để nộp đơn xin du học Thụy Sĩ đồng thời thi vô trường Bách khoa Phú thọ. Sau gần ba tháng ăn chơi nhảy nhót chờ đợi kết quả thì tất cả đều đậu phải cành mềm lộn cổ về quê. Quá buồn chán tôi đành phải ghi danh vô học trường Luật ở Huế, một ngôi trường đã được xây dựng từ năm 1957, không to lớn đồ sộ như những trường đại học ở Sài Gòn mà tôi từng biết. Những ngày đầu nhập học tôi cũng phải làm thẻ sinh viên ở Viện Đại Học và tôi còn nhớ trên thẻ còn có một đường chéo màu đỏ kéo từ góc trên trái qua góc dưới phải để phân biệt thẻ sinh viên các khoa khác, phía dưới hình thẻ còn có một dãy số mà tôi nhớ man mán 70/xxxx,.do Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu ký.
Ngày đầu tiên vô trường, đập vô mắt là cây đa cao và rậm rịt không biết được trồng tự bao giờ mà cái gốc to lớn với những chùm rễ dài ngoằn sần sùi thật ấn tượng, bệ đá bao bọc xung quanh và bóng mát đã làm chỗ nghỉ chân cho từng nhóm bạn nam và nữ…  Tâm trạng với bao lo lắng nôn nao của một thằng sinh viên mới toanh vào một ngôi trường chưa quen và bạn học còn xa lạ. Vô kiếm chỗ ở Giảng đường Phan Văn Thiết để nghe thầy giảng bài cho rõ thì hởi ơi người đông hơn rạp hát không còn một chỗ chen chân thấy ai nấy đều cặm cụi ghi ghi chép chép rất chăm chỉ làm mình cũng lo lo, thôi đành qua Giảng đường B vậy. Ơn giời! còn lác đác vài cái ghế ở dãy sau cùng thôi đành ngồi lắng nghe tiếng được tiếng mất lời giảng của thầy qua màn hình TV đen trắng mà âm thanh rè đục khó nghe. Sau này có kinh nghiệm tôi đã đọc và học trước những cours đã có cơ may mới hiểu được bài cũng như những thuật ngữ nghe rất mới mẽ và xa lạ như: Quá thất (faute), Thủ đắc (acquis), Chế tài (sanction) và rất nhiều cổ ngữ chuyên môn về pháp luật nữa.v.v.v. tôi nghĩ nếu không đọc trước ở nhà  là không cách chi hiểu được những từ ngữ liên quan dến nội dung của bài để hiểu và nhớ. Hình như cuộc đời đi học của tôi thường là bị ngồi ở dãy sau cùng từ trung học cũng như lên đại học cũng vì ngồi ở chỗ tận cùng của lớp và như thế mà tôi đã gặp hắn….
3-

Hắn rất lanh lẹ và tháo vát, luôn đến trước và dành cho tôi một chỗ gần cạnh hắn, hắn còn biết trong mười mấy môn học của năm thứ Nhất thì môn Dân luật của thầy Nguyễn Toại là khó nhất nếu qua được cửa ải này thì mấy môn kia dư sức qua cầu , do đó hắn rất chăm chỉ gạo bài….Ngày thi khóa I của năm thứ Nhất cũng đã đến, hắn rất tự tin hoàn thành tất cả những bài thi viết, duy chỉ có môn sinh ngữ Pháp (những danh từ chuyên môn về luật  Pháp-Việt) nó nói e không như mong muốn và đúng như nó nói, đã rớt môn Sinh ngữ và phải thi lại kỳ II. Còn tôi thì bài vở cũng tàm tạm và đã đủ điểm với những con số vừa sát nút để lên lớp Cử nhân năm thứ Hai. Còn nó thì thiểu nảo chờ đợi thi kỳ II môn sinh ngữ Pháp, để chắc ăn nó cầu cứu tôi thì giùm môn Pháp văn còn tôi thì khi đó thiệt vô tư và rất tự tin chưa bao giờ nghĩ đến hậu quả về sau; cũng không nở từ chối với bạn nên ừ đại cho nó yên lòng tôi đã hứa, ngày thi môn Pháp văn cũng đã đến tôi và nó chở nhau tới Giảng đường Karate, tôi vô chuẩn bị làm bài còn nó đứng đợi ngoài đường…

Một tiếng đồng hồ sau cũng vừa lúc tôi chuẩn bị nộp bài thí với lòng mừng thầm cho bạn chuyến này vượt qua suôn sẻ. Nhưng than ôi!  “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, một vị giám thị hành lang quen thuộc đàn anh  là Trần Văn Dũng đến coi Phiếu báo danh và Thẻ căn cước đã hỏi: ” Anh tên Nguyễn Hữu Hồng à?”  tôi liền trả lời dạ đúng…sau đó đàn anh khẳng định: ” Tui biết rõ anh là Đoàn Quốc Đức mà…” rứa là hết đường chối cải, đàn anh còn bồi thêm ” Tui biết anh hay uống cafe Bưu điện và thỉnh thoảng ngồi cafe cờ tướng ở quán chị Lợi..” Thôi rồi còn chi mà chối cải và năn nỉ nửa đây, đành mặc cho số phận đưa đẩy và phải ký vô biên bản phạm quy, đàn anh còn thòng thêm một câu: “Tui chỉ lập biên bản còn chuyện giải quyết đuổi học hay tha là do thầy Khoa trưởng quyết định”.

Nó thấy tôi thất thểu đi ra miệng méo xẹo là biết có chuyện rồi. Tôi kể cho nó nghe những chuyện xảy ra và kết luận rằng…Nếu mình không cà phê cà pháo Bưu điện, không la cà quán chị Lợi thì đàn anh mô có biết mình là ai thì hôm nay thoát khỏe rồi! tự dằn vặt trách móc bản thân thì cũng không thay đổi được chi. Âu đây cũng là cái số vậy và ngã rẽ cũng bắt đầu từ đây. Nó rất tâm lý và tình cảm nó an ủi và động viên tôi rất nhiều vì nguyên do cũng vì nó mà tôi bị vạ lây, nó khuyên tôi hảy bình tỉnh và sáng suốt để lên gặp thầy Khoa trưởng năn nỉ một lần coi sao. Nó nói tau bỏ học đã đành nhưng mi thì không được, còn Ba Mạ mi nửa mi trả lời răng? nên mi phải cố xin và năn nỉ để thầy đừng đuổi học…Còn nước còn tác, đã đường cùng nên cũng liều một phen với tâm trạng bồn chồn lo lắng và không mấy hy vọng.

Đúng sáu giờ tối hắn chở tôi đến Cư xá của Giáo sư Đại học số 2 Lê Lợi hắn đứng đợi dưới còn tôi lên lầu tìm Appt của thầy Khoa trưởng, sau khi gõ cửa nghe tiếng thầy nói ai đó vô đi, khi được ngồi đối diện với thầy, thầy hỏi cậu là ai tôi trả lời dạ thưa thầy con là Đoàn Quốc Đức hồi sáng bị lập biên bản vì thi thế cho người bạn,  thầy kêu lên à thầy đã biết và bắt tôi tường trình sự vụ:  tôi liền kể một mạch ” Dạ thưa thầy người bạn con sáng nay bỗng dưng bị đau nặng nằm ở nhà không thể đi thi  môn này được nên nhờ con thi thế, con chỉ giúp bạn con thi môn sinh ngữ chứ không có lấy tiền bạc chi hết, chỉ tình bạn con đã vô tư mà giúp thôi, kính thầy tha cho con một lần….“. Thầy bèn nói răng con dại dữ rứa? con biết  học Luật mà phạm luật (phạm trường quy) là tội nặng lắm không? con vì tình bạn mà không nghĩ đến hậu quả con sẽ bị đuổi học rồi phải đi Thủ Đức thì sẽ ra răng? ( Trời ơi nghe đến đây là tôi đoán chắc thầy sẽ tha). Câu sau cùng là lần này thầy tha cho con không được tái phạm và về học hành cho tử tế… Sau khi nghe những lời khuyên bảo và những lời giáo huấn của thầy. Ra về với tấm lòng tôn kính khôn tả với những lời khuyên bảo nhân từ trìu mến như một người cha . Thầy Nguyễn Sĩ Hải ơi! viết đến đây con xin kính dâng thầy một nén hương lòng để tưởng nhớ đến người thầy vô vàn kính yêu và nhân hậu và con xin cầu nguyện Hương linh thầy mãi mãi thanh thản ở cõi Vĩnh Hằng.

…Sau chín tháng ở quân trường Thủ Đức, hắn mặc bộ đồ rằn ri Biệt Động Quân đầu đội mũ nâu cầu vai mang cấp bậc Chuẩn úy trông thật oai phong; Tiểu đoàn 39 BĐQ của hắn được về nghỉ dưỡng quân ở Hoà Khánh Đà Nẳng. Trong mươi ngày đó cứ sáng Thứ bảy tôi mò vô Đà Nẳng gặp hắn ăn chơi nhảy nhót đến sáng Thứ hai lại cùng con ngựa sắt đi về Huế một mình.

Lần cuối cùng gặp nhau hắn nói trong vài ngày tới tụi tao sẽ đi hành quân ở biên giới Việt-Lào chuyến hành quân này có thể là hơi lâu để mi tau gặp nhau, chia tay hắn tôi nhớ rất  rõ ngày đó là  ngày 3/2/1971; đúng ngày sinh nhật của tôi, không bánh trái không rựơu bia không đèn cầy…Chiều đó trứơc khi trở về Huế vài câu từ biệt hắn xiết tay tôi với đôi mắt buồn diệu vợi hình như ươn ứơc ở khóe mi, tôi không dám nhìn vào mắt nó mà chỉ xiết chặt tay hắn thật lâu với những lời chúc vô nghĩa…

Chia tay bạn không ở nơi sông 
Nhưng sao nghe tiếng sóng vỗ trong lòng

Nỗi buồn ở … hai chiến tuyến : Không có người chiến thắng chỉ có người Việt thua ? (*)

( source : internet )

Tin các nhật báo đua nhau đưa tin cho biết tình hình chiến sự tại đường số 9 Nam Lào trong đó Tiểu đoàn 39 BĐQ đang trấn đóng mặt trận phía Bắc của ngọn đồi (Ranger North Hill), phân tích, mỗ xẻ các sai lầm về chiến lược nên đã đưa đến những thiệt hại nặng nề cho QLVNCH trong đó có Tiểu đòan 39/BĐQ.

Tháng 3/1971 tình hình chiến sự càng ngày càng khốc liệt cả ngọn đồi đều bị bốc lửa vì hỏa lực bom đạn của hai bên… Căn cứ BĐQ Bắc đã thất thủ… (**) 

“…Tin tìểu đoàn 39/BĐQ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi phân tán mỏng chứ không đầu hàng lan truyền đi khắp nơi. Trung tá Molinelli thuộc lữ đoàn 17 Kỵ binh không vận Hoa Kỳ đã viết “Đã ba ngày qua chúng tôi không tiếp tế được cho họ (TĐ/39/BĐQ). Khi gần hết đạn họ tấn công ra ngoài để lấy súng đạn của địch tiếp tục chiến đấu” (Hạ Lào Lam sơn 719). (***)

Những ngày cuối tháng 3/1971 trong lòng tôi nghe như lửa đốt nôn nao và hồi hộp hình như có chuyện chẳng lành xảy ra, quả đúng như linh tính mách bảo, nhận được tin nó đã hy sinh anh dũng qua một người bạn sống sót trở về.

Vậy là tôi nhận được tin nó tử trận trên Ranger North Hill trên đường số 9 Nam Lào trước khi gia đình nó nhận Giấy báo tử… Thôi Hồng ơi! âu đó cũng là số phận của chúng ta thật nghiệt ngã sinh ra trong thời chiến đành phải chấp nhận và đón lấy mà không thể chọn lựa và cưỡng lại.

Viết đến đây xin gởi đến Hồng người bạn thân thiết năm xưa một nén hương lòng đã anh dũng đền xong nợ nước.

Tất cả đã chìm vào đáy dĩ vãng rong rêu, mỗi lần hồi tưởng lòng tôi lại dâng trào bao ký ức xôn xao trở về, chiến tranh và nổi buồn chiến tranh đã có những người ra đi không bao giờ trở lại…

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?”

(Lương Châu từ)

Bùi Quang Kim Định
Viết xong tháng 5/2017

* Buồn Vui Đời Lính
** Lam sơn 719-BĐQ
*** Hạ Lào Lam sơn 719

 

Comments are closed.