Du khảo phương bắc – Kỳ 5

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 5

Ký sự của Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Bắc Ninh – Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp tên chữ là Ninh Phúc Tự, nằm ở phía nam sông Đuống, cạnh bờ đê, thuộc làng Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Từ chùa nhìn về hướng nam là cánh đồng lúa bên sông Thiên Đức (sông Dâu) chảy quanh thành Luy Lâu. Bên kia sông Đuống có thể nhìn thấy núi Long Chính, núi Long K hám, núi Phật Tích, v.v. tạo thành một con rồng dài mà đâu đâu cũng mang dấu tích chùa xưa. Theo Địa Chí Hà Bắc thì chùa được xây dựng dưới thời vua Trần Thánh Tông(1258-1278). Ngài Huyền Quang (tên thế tục là Lý Đạo Tái, đỗ Trạng Nguyên năm 1297),tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm, đã từng trụ trì ở đây. Ngài đã xây một ngôi tháp 9 tầng, nhưng nay không còn. Ngọn tháp làm cho chùa nổi danh là tháp Báo Nghiêm do ngài Minh Hạnh xây để báo đáp ơn thầy là thiền sư Chiết Tuyết (hay Chuyết Chuyết) (1540-1644) từ Phúc Kiến sang dạy đạo kể từ năm 1633. Vào thời gian này thái hậu triều Lê là Trịnh Thị Ngọc Trúc rời bỏ cung đình,nơi đầy dẫy mưu mô hiểm ác, về đây tu học (pháp danh Diệu Viên) đã cùng công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ) phát tâm cúng dường trùng tu và mở rộng qui mô chùa và hoàn thành vào năm 1647.

DuKhaoPhuongBac5_01

Gác chuông

DuKhaoPhuongBac5_02

Gác chuông,nhìn từ bên phải

DuKhaoPhuongBac5_03

Tiền đường

DuKhaoPhuongBac5_04

Trong tiền đường có tượng Phật và Bồ Tát bằng gỗ rất độc đáo, mang đậm sắc thái nghệ thuật tạo hình dân gian, không giống với tượng ở các chùa miền trong (Trung và Nam).

Kiến trúc chùa theo mô hình nội công ngoại quốc. Sau cửa tam quan là gác chuông và tiền đường là 7 tòa nhà song song nhau, bao quanh bởi ba dãy hành lang, gồm có thượng điện, nhà thiêu hương, am tích thiện, trung đường, phủ thờ, hậu đường. Chiều dài tính từ tiền đường đến hậu đường hơn 100m.

DuKhaoPhuongBac5_05

Bên trái là hành lang, bên phải là 8 tòa nhà nằm song song.

DuKhaoPhuongBac5_06

Cầu đá cong nối thượng điện với am Tích Thiện. Trên thành cầu có các phù điêu chạm khắc hình chim muông, hoa lá.

DuKhaoPhuongBac5_07

Am Tích Thiện. Am có 3 tầng mái. Bên trong có cây Cửu Phẩm Liên Hoa, là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh trục ở giữa.

DuKhaoPhuongBac5_08

Trên bề mặt tháp Liên Hoa này có nhiều tác phẩm chạm khắc hình tượng Phật và Bồ Tát, cùng hoa lá.

DuKhaoPhuongBac5_09

Trong thượng điện có nhiều tượng, trong đó có tượng Văn Thù Bồ Tát, sau lưng là tượng các vị La Hán (bố trí dọc theo hành lang)

DuKhaoPhuongBac5_10

Tượng Phật Tuyết Sơn, là hình ảnh Đức Phật Thích Ca khi đang tu khổ hạnh trong núi tuyết cũng là một tuyệt tác nghệ thuật.

DuKhaoPhuongBac5_11

Tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hay Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là một tác phẩm nổi tiếng do nhà điêu khắc họ Trương tạc vào năm 1656. (Bên trong hơi tối, chụp hình không rõ lắm cho nên phải lấy hình từ một tờ rơi. ) Tượng Bồ Tát ngồi thiền, cao 3,7m, rộng 2,1m, dày 1,15m. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn, và 952 cánh tay dài ngắn khác nhau. Tay dài nhất đo được 2m. Trong mỗi lòng bàn tay lại có một mắt, biểu thị lòng từ bi và năng lực cứu độ của Bồ Tát Quan Âm . Ngài lắng nghe và nhìn thấy chúng sinh đau khổ khắp mọi nơi và đưa tay cứu vớt. Bệ thờ cao 54cm, có hình tượng rồng đội tòa sen.

DuKhaoPhuongBac5_12

Tháp Báo Nghiêm thờ Hòa Thượng Chiết Tuyết (Chuyết Chuyết) cao 13, 05m, có 5 tầng, mỗi tầng 5 mặt. Tầng dưới cùng có mái nhô ra, được đỡ bằng các cột đá, tạo thành một hành lang bao quanh. Bên trong có nhiều phù điêu bằng đá, khắc hoa lá, chim muông. Tương truyền, hàng ngày vào buổi chiều một đàn chim nhạn thường bay về đậu ở tháp đá này cho nên dân quanh vùng gọi là chùa Nhạn Tháp. Nhưng vào năm 1876 khi vua Tự Đức thăm chùa gọi tháp Báo Nghiêm là Bút Tháp thì chùa từ đó mang tên ấy.

DuKhaoPhuongBac5_13

Tháp Tôn Đức, nơi tôn trí xá lợi của Thiền sư Minh Hạnh. Tháp có 4 mặt, 5 tầng, cao khoảng 10m.

DuKhaoPhuongBac5_14

Điêu khắc gỗ trên tường nhà và cột kèo cũng có nét đặc sắc riêng.

DuKhaoPhuongBac5_15

Công Chúa Lê Thị Ngọc Duyên, pháp danh Diệu Tuệ, người đã cùng Thái Hậu Ngọc Trúc từ bỏ nơi cung cấm về đây tu hành. Trong phủ thờ còn có tượng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, nhưng rất tiếc hình không rõ cho nên không đưa vào đây được.

DuKhaoPhuongBac5_16

Hoàng Tử Lê Đình Tứ

DuKhaoPhuongBac5_17

Trong hậu điện có tượng Hòa Thượng Chuyết Chuyết và các thị giả

DuKhaoPhuongBac5_18

Bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Các chùa ở đây ngoài là nơi tu hành của các thiền sư, còn là nơi mà các nghệ nhân, từ thợ nề, thợ mộc, cho đến thợ chạm gỗ, khắc đá, thỏa sức thi thố tài năng, cho nên có những tác phẩm mang đậm nét mộc mạc, chất phác, nông dân, có tác phẩm cực kỳ tinh tế, với trí tưởng tượng phong phú, và tri thức Phật pháp cao sâu.

 

Comments are closed.