Du khảo phương bắc – Kỳ 7

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC (7)

Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Bắc Ninh
Đền Đô

Khi chúng tôi đến đền Đô hay đền Lý Bát Đế, là đền thờ 8 vị vua đầu triều Lý thì trời đã về chiều. Bóng đã đổ dài, nhuộm vàng khung cảnh ngôi đền.
Đền Lý Bát Đế thuộc làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng), thị xã Từ Sơn. Đền nằm cách Hà Nội gần 20 km về phía bắc, thuộc địa phận hương Cổ Pháp nên còn gọi là đền Cổ Pháp. Tám vị vua ấy là:

 

  1. Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028);
  2. Lý Thái Tông (1028-1054);
  3. Lý Thánh Tông (1054-1072);
  4. Lý Nhân Tông (1072-1128);
  5. Lý Thần Tông (1128-1138);
  6. Lý Anh Tông (1138-1175);
  7. Lý Cao Tông (1175-1210) và
  8. Lý Huệ Tông (1210-1224).

Vị vua thứ 9 của nhà Lý là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam: Lý Chiêu Hoàng, được lập làm Thái Tử vì vua Huệ Tông không có con trai, sau đó được lập làm Hoàng Đế khi mới 7 tuổi và nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh lúc mới 8 tuổi (1225). Vị vua đầu tiên của nhà Trần, Trần Thái Tông, lúc ấy lớn hơn vợ 1 tuổi. “Đạo diễn của “hôn sự”cũng như “chính sự” này không ai khác là Trần Thủ Độ.
Lý Chiêu Hoàng được thờ riêng, cũng ở làng Đình Bảng, trong đền Rồng. Năm 2009, ngôi đền cổ đã bị phá hủy để xây mới cho “to đẹp hơn”!
Đền Lý Bát Đế do Lý Thái Tông xây dựng năm 1030 để thờ Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Sau này, đền được nhiều lần trung tu và mở rộng. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1602 dưới thời vua Lê Kính Tông . Nhà vua cho khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị phá hủy hoàn toàn. Mãi đến năm 1989, đền mới được khởi công xây dựng lại.
Đến đây phải mở ngoặc để giải thích môt chuyện: máy ảnh của tác giả hết pin cho nên phần tường thuật dựa vào những gì anh bạn chụp được, mà anh bạn thì quen chụp ảnh lưu niệm nên nhiều cảnh có người. Xin độc giả “đối cảnh vô nhân”, chỉ xem cảnh mà thôi, đừng để ý tới người.

DuKhaoPhuongBac7_01

Ngũ Long Môn: cửa vào đền Đô

DuKhaoPhuongBac7_02

Cận cảnh cổng vào, với cánh cửa bằng gỗ, chạm trổ công phu, và mái ngói cong hướng lên trời, tiêu biểu cho kiến trúc cổ miền Bắc.
Bên trong điện là ba tòa nhà nằm song song theo kiểu chữ Công.

DuKhaoPhuongBac7_03

Chính điện. Bên ngoài có lư cắm nhang, hai đèn cổ và tượng hai voi chầu. Tiếp đó là nhà Tiền Tế thờ Lý Thái Tổ. Sau đó là Cổ Pháp điện thờ các ngai vàng, bài vị và tượng của tám vua.

DuKhaoPhuongBac7_04

Một trong những tượng vua nhà Lý. Các tượng đều giống nhau ngoại trừ khuôn mặt.

DuKhaoPhuongBac7_05

Cách thờ cúng các vua cũng giống như ở đình, chùa. Các vua nhà Lý và nhà Trần đều có mối quan hệ đặc biệt với nhà chùa.
Vua đầu triều Lý Công Uẩn là con nuôi của sư Khánh Vân và học trò của sư Vạn Hạnh. Các sử gia tin rằng việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La, việc xây thành Thăng Long và nhiều quốc sự quan trọng có sự đóng góp ý kiến của sư Vạn Hạnh.
Phía đông của sân đền có bia dựng năm 1605, do ông Trạng Phùng Khắc Khoan soạn văn bia, ghi công ơn của các vua nhà Lý. Ngoài ra còn có điện thờ các quan văn như Tô Hiến Thành, Lý Đạo Thành, điện thờ các quan võ như Đào Cam Mộc, Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu.

DuKhaoPhuongBac7_06

Chiếu dời đô bằng chữ Hán ở bên ngoài tường đền Đô.

DuKhaoPhuongBac7_07

Bản dịch Chiếu Dời Đô

DuKhaoPhuongBac7_08

Thủy Đình ở trên một hồ bán nguyệt. Hồ này thông với ao Cả và ao này lại thông với sông Tiêu Tương xưa (gợi nhớ nhạc phẩm Ai Về Sông Tương của Thông Đạt).
Kiến trúc gỗ là nhà cổ, nhưng phần còn lại như nền, lan can, cầu đá mới được xây dựng.

Đình Bảng

DuKhaoPhuongBac7_09

Đình làng Đình Bảng.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm ngôi đình của làng Đình Bảng, một trong ba ngôi đình xưa nổi tiếng của xứ Kinh Bắc:
Thứ nhất là đình Đông Khang,
Thứ hai đình Bảng, thứ ba đình Diềm
.
Đình Đông Khang đã bị phá hủy, đình Diềm xưa 5 gian, nay còn 3 gian.
Đình Bảng (dựng năm 1736) còn tương đối nguyên vẹn, và dường như mới được nâng nền (nền và sân lát xi măng trông rất mới).
Tòa đại đình dài 20m, rộng 14m, và cao 8m; trong đó, phần mái đình chiếm 5,5m.
Làng này xưa gọi là làng Báng, sau đó là Bảng, và tên chữ mang màu sắc Phật giáo là Cổ Pháp.
Đình thờ ba vị thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương (thần núi), Thủy Bá Đại Vương (thần nước) và Bách Lệ Đại Vương (thần đất) và các vị hậu thần có công xây dựng làng.

DuKhaoPhuongBac7_10

Cổng đình làng cũng mới được xây, trông khá “hoành tráng”.
Rất tiếc là cả hai hình đều không cho thấy mái đầu đao cong vút, tiêu biểu của đình và chùa miền Bắc.

Chùa Cổ Pháp

DuKhaoPhuongBac7_11

Chùa Cổ Pháp tọa lạc tại thôn Nuốn (bây giờ gọi là thôn Đại Đình), xã Tân Hồng, thị xã Từ Sơn. Theo sử sách chùa được dựng vào thế kỷ thứ 8, nhưng vào thập niên 1950 , ngôi chùa cổ đã bị chiến tranh phá hủy. Tương truyền đây là nơi nuôi nấng Lý Công Uẩn.
Bên trong cổng tam quan có một hồ hình chữ nhật. Gần đó có một giếng tròn, là dấu tích chùa xưa. Chùa mới được dựng lại vào năm 1998.

DuKhaoPhuongBac7_12

Chánh điện chùa Cổ Pháp.

DuKhaoPhuongBac7_13

Trong sân chùa có tượng người dân xứ Kinh Bắc thuở xưa.

DuKhaoPhuongBac7_14

Có lẽ đây là các liền anh, liền chị đang cùng nhau hát quan họ. Ngày xưa, quan họ vẫn được hát tại đình, chùa, hai công trình kiến trúc cơ bản nhất của mỗi làng. Bắc Ninh được cả nước biết đến nhờ dân ca quan họ.
Bắc Ninh, Luy Lâu cũng được xem là nơi tiếp nhận Phật giáo đầu tiên từ Ấn Độ, cũng là nơi tiếp nhận văn hóa Hán đầu tiên. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi thấy những yếu tố của hai nền văn hóa này trong các chuyện cổ tích, trong thần thoại của người Việt với những tình tiết huyền hoặc, kỳ quái, như chuyện Phật Mẫu Man Nương sinh ra Tứ Pháp, có liên quan đến sư Khâu Đa La, người Ấn, đến Sĩ Nhiếp, Thái Thú Giao Chỉ thời Bắc thuộc.
Những truyền thuyết về thuở dựng nước, như chuyện về Kinh Dương Vương của đất Kinh Bắc cũng làm người ta bối rối về nguồn gốc dân tộc Việt. Theo câu chuyện này thì Kinh Dương Vương, tên húy là Lộc Tục, là cháu của vua Thần Nông, con của Đế Minh, là em của Đế Nghi, vua ở miền bắc sông Dương Tử, tức là tổ tiên của người Hoa. Nếu tin như vậy thì người Việt là em của người Hoa, có bổn phận (theo đạo lý Nho giáo) phải kính nhường ông anh(!). Nhà nước đang chuẩn bị tôn tạo lăng Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.
Kinh Dương Vương sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân, thủy tổ của Bách Việt. Chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra trăm trứng lại giống một câu chuyện trong Lục Độ Tập Kinh, và cũng có chi tiết tương đồng với một bản anh hùng ca của Ấn Độ là Mahabharata mà học giả Lê Mạnh Thát đã chỉ ra.
Bắc Ninh cũng là nơi lưu giữ những tên làng mang một từ thôi như làng Ghênh, làng Khe, Nênh, Neo, Keo, Kép, những tên Nôm mà ý nghĩa có lẽ đã đi vào quên lãng.
Bắc Ninh còn có các sản phẩm làng nghề như gốm Phù Lãng, tranh khắc gỗ Đông Hồ, và đặc sản thịt chuột Đình Bảng.
Để nhớ về xứ Kinh Bắc, chúng tôi mua vài bức tranh dân gian quen thuộc bán ở chùa Dâu:

DuKhaoPhuongBac7_15

Chăn trâu thổi sáo

DuKhaoPhuongBac7_16

Thầy đồ Cóc

DuKhaoPhuongBac7_17

Đám cưới chuột

( Đón xem tiếp kỳ 8)

Comments are closed.