Du khảo phương bắc – Kỳ 8

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC (8)

Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Ngày 5-12-2013:
Hải Dương
Khu dI tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nằm ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách nhau khoảng 7km, nhưng được gọi là một quần thể di tích. Ngoài ra, lễ hội ở chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc được tổ chức trùng nhau (20 tháng 8 âm lịch) có lẽ để nhắc nhở du khách đến nơi này thì đừng quên nơi kia. Những nhà phong thủy học thì có thể giải thích theo cách khác, theo thế núi, thế sông nối liền một mạch, có núi Rùa, núi Trán Rồng, núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng (tứ linh), bốn phương qui về, quân tướng trùng trùng điệp điệp, v.v. Nhưng từ góc độ lịch sử thì hai di tích gợi nhớ những sự kiện lịch sử ở hai thời kỳ khác nhau.
Kiếp Bạc
Vùng Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng: làng Kiếp (tên chữ là Vạn Yên), và làng Bạc (tên chữ là Dược Sơn), là một thung lũng có ba phía núi non, trước mặt là sông Lục Đầu, một khúc sông dài khoảng 10km do sáu sông hợp thành: 4 sông chảy lại gặp nhau ở một ngã năm là sông Đuống, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, và hai sông chảy đi tại một ngã ba gần đó là sông Kinh Thầy (sông này có một chi lưu chảy qua sông Bạch Đằng, nơi quân Việt hai lần cắm cọc nhọn dưới lòng sông để thắng địch) và sông Thái Bình.

Trong lịch sử thì địa danh Vạn Kiếp gọi nhớ nơi đóng đại bản doanh của Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo, nơi diễn ra nhiều trận đánh kịch liệt giữa quân Mông và quân Việt, nơi Hưng Đạo Vương quay về qui ẩn, rửa tay gác kiếm.

DuKhaoPhuongBac08_01
Lục Đầu Giang, nơi rộng nhất là 500m. Đây là đoạn sông ngay trước mặt đền. Hai ngã ba sông nằm bên tay trái, cách khoảng 1km.
DuKhaoPhuongBac08_02
Chúng tôi đang đứng trên con đê sông Lục Đầu, nhìn về bên trái của đền, nơi có con đường bê tông rộng dẫn vào đền Kiếp Bạc và bên cạnh là đầm nhận nước từ trên các sườn núi đổ xuống.
DuKhaoPhuongBac08_03
Trước nghi môn, tức là cổng đền, có một bãi đỗ xe rất rộng. Hai bên là hai dãy hàng quán, đa số bán sớ khấn và đồ cúng lễ.
DuKhaoPhuongBac08_04
Sớ khấn bán trước đền Kiếp Bạc.
DuKhaoPhuongBac08_05
Trên cổng có hai hàng chữ nằm ngang: Hưng Thiên Vô Cực, và Trần Hưng Đạo Vương Từ
DuKhaoPhuongBac08_06
Bước qua cổng, chúng tôi thấy trước mặt là một ngôi nhà, có vẻ là nhà tạm của một công trình đang sửa chữa, có đề Ban thờ Công Đồng, nghĩa là bàn thờ chung các quan văn võ.
DuKhaoPhuongBac08_07
Hữu Thành Các, một tòa nhà sát cổng, đóng vai trò trạm gác, có lẽ là văn phòng của Ban Quản Lý di tích. Đối xứng ở phía bên kia sân có Tả Thành Các.
DuKhaoPhuongBac08_08
Gần cổng, bên tay trái có giếng tên là Giếng Mắt Rồng, tương truyền là một trong những giếng nước trong quân doanh của ngài.

DuKhaoPhuongBac08_09
Bên trái Ban thờ công đồng có hai dãy nhà dọc, gọi là Tả Hữu Giải Vũ. Một bên là các bàn sắp lễ vật lên khay, viết sớ khấn. Bên kia là nơi trưng bày các biển hướng dẫn di tích, sơ đồ ngôi đền, tóm tắt lịch sử, v.v.
DuKhaoPhuongBac08_10
Đồ án tổng thể ngôi đền: đường đi vào gọi là Thần Đạo, cổng là Nghi Môn, hai bên là Tả Hữu Thành Các, hai dãy nhà dọc là Tả Hữu Giải Vũ. Ở giữa có ba tòa nhà song song là nhà Tiền Tế (Công Đồng), Trung Từ, và Hậu Cung. Hai bên đền là đầm nước. Trước mặt là đê sông Lục Đầu. Sau lưng là núi Trán Rồng.
DuKhaoPhuongBac08_11
Sơ đồ Trung Từ đang tu sửa.
DuKhaoPhuongBac08_12
Trung Từ đang được sửa chữa. Trong đó thờ Phạm Điện Súy, tức là Phạm Ngũ Lão, rễ của Trần Hưng Đạo, Tứ Vương Tử, tức là bốn con trai của ngài, hai gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng. Ngoài ra còn có Nam Tào và Bắc Đẩu, hai vị thần trên thiên cung (theo Đạo giáo).
DuKhaoPhuongBac08_13
Chuông đồng nằm ở gian nhà Giải Vũ bên phải từ ngoài vào, và ở gian nhà bên phía đối diện có trống.
DuKhaoPhuongBac08_14
Trống đặt ở gian Giải Vũ bên trái (nhìn từ bên ngoài).
DuKhaoPhuongBac08_15
Sơ đồ bài trí thờ tự đền Kiếp Bạc.
DuKhaoPhuongBac08_16
Bản đồ đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ thứ 13. Vào đầu thế kỷ 13, các bộ tộc Mông Cổ thống nhất dưới quyền chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn.
DuKhaoPhuongBac08_17
Bản đồ kháng chiến chống quân Mông lần thứ nhất.
Năm 1254 Mông Cổ tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay). Sau đó Mông Cổ cử sứ giả sang Đại Việt mượn đường để đánh Nam Tống. Trần Thái Tông không chịu. Tháng 1 năm 1258 Mông Cổ đem quân đánh chiếm Thăng Long nhưng sau đó bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ. Trận chiến chỉ kéo dài trong khoảng 2 tuần.
Trong trận này Trần Hưng Đạo tham gia với vai trò một vị tướng trẻ.
DuKhaoPhuongBac08_18
Bản đồ kháng chiến chống quân Mông lần thứ hai.
20 năm sau Mông Cổ tiêu diệt Nam Tống, lập nên triều nhà Nguyên. Tháng 1, năm 1285 lại kéo quân sang đánh Đại Việt bằng hai đạo quân, phía bắc xuống từ Vân Nam và từ Quảng Tây bằng đường bộ và phía nam lên bằng đường thủy từ Chiêm Thành. Lúc này Trần Hưng Đạo được giao chức vụ Tiết Chế, tổng chỉ huy các đạo quân thủy, bộ.
Thoạt đầu quân Việt phải rút khỏi Thăng Long về Nam Định, rồi Ninh Bình, đi ngược lên Quảng Ninh. Nhưng quân Nguyên khi vào sâu trong lãnh thổ thì gặp khó khăn về tiếp tế lương thực, phải rút về. Quân nhà Trần nhân đó tập kích các cánh quân đang rút chạy, và lần lượt tiêu diệt các cánh quân Nguyên tại cửa Hàm Tử (nay là Khoái Châu, tỉnhHưng Yên), bến Chương Dương (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội), chiếm lại Thăng Long. Cánh quân Nguyên rút về Quảng Tây bị phục kích ở sông Cầu, Vạn Kiếp, cánh quân rút về Vân Nam bị tập kích tại Phù Ninh. Cánh quân thủy ở phía Nam bị tiêu diệt tại Tây Kết (Khoái Châu, Hưng Yên). Trận chiến chỉ diễn ra trong vòng 4 tháng.
DuKhaoPhuongBac08_19
Bản đồ kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba.
Hai năm sau, tức là cuối tháng 12, năm 1287, quân Nguyên lại tràn sang cũng với 3 đạo binh, từ Vân Nam, Quảng Tây theo đường bộ, và từ Quảng Đông bằng đường thủy. Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo chỉ huy quân đội kháng chiến cùng với các tướng như Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản.
Cũng như lần trước, quân Nguyên lúc đầu thắng áp đảo. Nhưng khó khăn nảy sinh khi đoàn thuyền chở lương thực bị Trần Khánh Dư chặn đánh tại Vân Đồn. Đại quân đóng tại Vạn Kiếp rút về theo sông Bạch Đằng bị tiêu diệt. Các đạo quân bộ bị chặn đánh tại Bắc Giang, Lạng Sơn, và đến tháng 4, 1288 thì quân Nguyên bị quét sạch khỏi biên giới Đại Việt.
DuKhaoPhuongBac08_20
Cọc gỗ tìm thấy trong lòng sông Bạch Đằng. Tấm gỗ có lỗ tròn có lẽ để cho thấy thuyền giặc bị đâm thủng như thế nào (?)
DuKhaoPhuongBac08_21
Các hiện vật khảo cổ thời nhà Trần đặt trong khung kính.
DuKhaoPhuongBac08_22
Các hiện vật khảo cổ khác : đầu linh thú trang trí trên nóc nhà (?)
DuKhaoPhuongBac08_23
Gạch trang trí ngoại thất có hình những con rồng thời nhà Trần, với thân hình mảnh mai như lươn, khác với con rồng thời nhà Nguyễn, trông to lớn, với vảy và kỳ trên lưng trông rất mạnh mẽ.
DuKhaoPhuongBac08_24
Gạch trang trí trong các công trình kiến trúc.
DuKhaoPhuongBac08_25
Hình ảnh khai quật khảo cổ đền Kiếp Bạc.

 

( Đón xem tiếp kỳ 9 )

Comments are closed.