Du khảo phương bắc – Kỳ 9

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC (9)
Tác giả : Trần Ngọc Bảo K1A

Đền Kiếp Bạc

Sau ba lần kháng chiến thắng lợi, năm 1389, Trần Hưng Đạo được phong làm Hưng Đạo Vương. Ngài quay về ở ẩn tại Vạn Kiếp, là thái ấp được phong kèm theo tước Vương [thời nhà Lê và nhà Nguyễn, chế độ phong kiến chỉ còn phong (tước), không còn kiến (điền), tức là cấp ruộng đất]. Tương truyền, trong thời gian này, ngài lập vườn trồng cây thuốc để chữa bệnh cho dân (trước đó ngài đã lập vườn thuốc Nam,chữa thương và trị bệnh cho quân sĩ)cho nên vùng núi này mới có tên là Dược Sơn.
Nhân dân kính trọng lập đền thờ ngay khi ngài còn sống. Ngài qua đời tại đây năm 1300.

DuKhaoPhuongBac09_01

Hình ảnh đền Kiếp Bạc cũ, sau lưng là núi Trán Rồng.

DuKhaoPhuongBac09_02
Cổng đi vào Tòa Trung Từ và Hậu Cung ở bên trái nhà Tiền Tế. Cổng đối xứng phía bên kia dẫn vào điện thờ Đức Thánh, nơi hầu như luôn luôn có hầu bóng (chầu văn).
DuKhaoPhuongBac09_03
Am Hóa Vàng là nơi đốt sớ, giấy tiền và các đồ mã. Ở đây có người phục vụ cầm một cây sào dài, giúp cho việc đốt giấy được nhanh chóng.
DuKhaoPhuongBac09_04
Bàn và tượng thờ Hưng Đạo Vương. Do phía trước có người đang làm lễ cho nên không thể chụp hình chính diện.

DuKhaoPhuongBac09_05
Những người đi dâng lễ. Việc hầu đồng được thực hiện ở một gian thờ khác.

Năm 2006 nhà nước chính thức công nhận “tín ngưỡng lên đồng” và những người thực hành tín ngưỡng này tại đền thờ Hưng Đạo Vương được gọi là Thanh Đồng.
Từ đó đến nay ở các đền thờ Hưng Đạo Vương thường xuyên có lên đồng, mà miền Bắc gọi là “hầu đồng” hay “hầu bóng” mà ở Huế thường gọi là “nhảy vọt”. Gần đây miền Bắc có tổ chức “Liên hoan hầu bóng”, qui tụ các cô đồng, cậu đồng từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, NamĐịnh, v.v. trình diễn múa hát hầu văn trên sân khấu.
Ngồi hàng đầu, gõ chuông mõ là một thầy tế, mặc áo dài đen, khăn đóng. Tôi lắng tai, thì nghe niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “Nam Vô A Di Đà Phật” không rõ, rồi sau đó là danh hiệu Đức Thánh, Nam Tào, Bắc Đẩu, và một loạt thánh thần.
Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện Phạm Nhan, người có cha là người Hoa, mẹ người Việt, được đi du học phép thuật ở quê cha, sau đó đem âm binh bộ hạ theo chân quân Nguyên về quấy phá quê mẹ. Nhưng do quân Việt (có lẽ đã đọc truyện Phong Thần của Tàu) dùng huyết dê, huyết chó phun vào âm binh khiến chúng bỏ chạy. Phạm Nhan bị bắt đem chém đầu, nhưng chém đầu này thì mọc đầu khác. Quân sĩ trình báo với Trần Hưng Đạo. Ngài đưa cây kiếm của ngài cho đao phủ, dặn bôi phân gà vào kiếm, thế là đầu phạm nhân lìa khỏi cổ, không mọc được nữa. Tuy nhiên, hồn của y vẫn chưa chết, vẫn hiện xuống trêu chọc phụ nữ và trẻ em. Vì thế những người bị bệnh do “vương” phải ác thần thường đến đền của Hưng Đạo Vương cầu khẩn ngài “đuổi tà”.
Đã hơn 700 năm trôi qua mà người ta vẫn tin tưởng vào câu chuyện có màu sắc Đạo giáo này cho nên vẫn còn cầu khấn.

Rất nhiều tỉnh thành, từ Nam Định, Thái Bình, cho đến Sài Gòn, Bình Dương, đều có đền thờ ngài. Ở Huế hồi xưa cũng có nhiều đền thờ Đức Thánh Trần, nhưng cho đến nay chỉ còn một số ít, như Tân Phẩm Linh Từ ở số 238 đường Phan Chu Trinh, Đài Phước Vọng Từ ở 399 Chi Lăng, Thanh Cao Vọng Từ, ở 36/8 Nguyễn Khoa Chiêm.

Tuy nhiên, ở Huế, sinh hoạt lên đồng vẫn còn được thực hành ở điện Hòn Chén, nơi sau 1954, Liễu Hạnh Công chúa được đưa từ ngoài Bắc vào thờ chung với Thiên Y A Na, nữ thần của người Champa và ở một số am miếu nhỏ.

DuKhaoPhuongBac09_06
Các khay lễ vật của khách hành hương.
DuKhaoPhuongBac09_07
Ở tòa Hậu Cung có thờ tượng phu nhân của ngài là Công Chúa Thiên Thành, với biển đề là Ban thờ Đức Quốc Mẫu. Lễ vật gồm có hoa, chuối, bánh bông lan, và bia Halida.
DuKhaoPhuongBac09_08
Hai con gái của ngài được gọi là Nhị vị Vương Cô

DuKhaoPhuongBac09_09
Tượng một con gái của Đức Thánh Trần.
Các thực phẩm lễ vật ắt phải làm cho các ngài ngạc nhiên vì thuở các ngài còn trên dương thế không hề thấy và có thể các ngài không biết mở lon, mở hộp ra sao.
DuKhaoPhuongBac09_10
Phía sau bức tường hậu là núi Hàm Rồng hay còn gọi là Trán Rồng.
DuKhaoPhuongBac09_11
Tường bao quanh ngôi đền. Bên ngoài là núi đồi chập chùng cho thấy địa thế hiểm trở, có lợi cho phòng thủ và phản công, bất lợi cho quân Mông quen chiến đấu trên lưng ngựa, chỉ có thể tung hoành trên thảo nguyên hay đồng bằng rộng lớn.
Quần thể đền Kiếp Bạc còn bao gồm chùa Nam Tào và chùa Bắc Đẩu, cách đây khoảng 1km.
DuKhaoPhuongBac09_12
Đền (nay gọi là chùa) Bắc đẩu xưa mới được trùng tu.
DuKhaoPhuongBac09_13
Gần đó có văn phòng Ban tổ chức lễ hội chùa Bắc Đẩu.
DuKhaoPhuongBac09_14
Bên ngoài lại thờ tượng Bồ Tát Chuẩn Đề, và tượng Phật Thích Ca đản sinh (bao quanh có chín con rồng bảo vệ cho nên gọi là tượng Cửu Long).
DuKhaoPhuongBac09_15
Mão và hia của Bắc Đẩu thờ ở sau lưng tượng Bồ Tát Chuẩn Đề.
DuKhaoPhuongBac09_16
Một ngôi chùa mới cho Bắc Đẩu được xây dựng trên đồi.
DuKhaoPhuongBac09_17
Tượng của thiên quan Bắc Đẩu, trông rất vui vẻ, hài lòng với chỗ ở mới.
Chúng tôi hỏi chuyện mấy bà cụ giữ đền mới biết họ là những cán bộ về hưu. Nay hội hưu trí phân công họ quét dọn, nhang đèn hầu thánh. Cứ gọi là “có trực mới vực được đạo”!
DuKhaoPhuongBac09_18
Ngoài điện thờ còn có hai phương đình rất đẹp dành cho du khách nghỉ chân ngắm cảnh.
DuKhaoPhuongBac09_19
Phong cảnh núi sông nhìn từ phương đình.
Chúng tôi không sang chùa Nam Tào, nhưng cũng đoán rằng chùa được nhà nước xây dựng tươm tất, đẹp đẽ như chùa Bắc Đẩu. Các ngài được thờ chung với Phật và Bồ Tát mặc dù hai ngài không hề được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo. Như vậy mới thấy ảnh hưởng Đạo giáo (hay Lão giáo) vẫn còn mạnh trong văn hóa xứ Việt, chẳng hạn trong việc xem phong thủy, phương hướng khi dựng nhà, đắp mộ, coi ngày giờ , tuổi tác khi cưới hỏi, ma chay, khai trương doanh nghiệp, v.v.

DuKhaoPhuongBac09_20
Dân gian vẫn nhắc nhở lễ hội đền Thánh Trần vào tháng 8 âm lịch: Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ. (Liễu Hạnh Công chúa).
Nhưng ngày nay lễ hội Đức Thánh Trần được tổ chức 4 lần/ năm! Ngày giỗ của ngài kéo dài trong 1 tháng!Đó là không kể bên cạnh các bàn thờ luôn có “hòm công đức”. Trong các dịp lễ hội các hòm ấy được tăng cường hàng chục hòm. Đây có lẽ là lý do khiến người xứ Bắc hình thành phong tục cúng tiền lẻ khi đi đền chùa (và để chắc chắn là thánh thần biết họ có dâng lễ, nhiều người không bỏ tiền vào hòm mà nhét vào tay các tượng – mà tượng thì có rất nhiều!).
DuKhaoPhuongBac09_21
Chúng tôi đi theo một con đường khác khi ra về mới thấy cổng chào đón du khách vào khu di tích Kiếp Bạc. Hóa ra, chúng tôi đã đến đền Kiếp Bạc từ phía sau! Nhưng phía sau hay phía trước khu đền cũng đều được xây dựng khang trang, đẹp đẽ và có lẽ đền Kiếp Bạc là ngôi đền thờ Đức Thánh Trần lớn nhất nước.

( Đón xem tiếp kỳ 10 )

Comments are closed.