Du khảo phương bắc – Kỳ 13

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 13

Tác giả : Trần Ngọc Bảo K1A

Ngày 7 -12-2013
Ninh Bình

Rong chơi như vậy cũng khá dài ngày rồi cho nên hôm nay tôi quyết định đi về. Bạn tiễn tôi đến trạm xe khách gần nhà lúc 5:30. Trời còn tối om và khá rét.

Từ đây,nhà bạn tôi ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, tới Hà Nội khoảng gần 70km. Xe đến bến Mỹ Đình lúc 7 giờ sáng. Tôi không ở lại Hà Nội mà mua vé xe đi Ninh Bình để ngao du thêm một tỉnh nữa. Đến ga xe lửa Ninh Bình lúc gần 11 giờ. Tôi mua vé đi Huế, chuyến 9: 00 tối, sau đó, gọi một bác xe ôm đưa tôi đi chùa Bái Đính. Bác này đồng ý đi đâu cũng được từ bấy giờ tới tối với giá 200.000 đồng. Trên đường đi Bái Đính (cách nhà ga khoảng 20km) sẽ gặp khu du lịch Tràng An, cố đô Hoa Lư trước.

Hoa Lư

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước Việt sau khi giành độc lập, và triều nhà Đinh, do Đinh Bộ Lĩnh lập ra vào năm 968, là triều đại vua chúa đầu tiên sau thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Sau đó, cũng là kinh đô của 3 vua nhà Tiền Lê, và vua đầu triều Lý là Lý Công Uẩn.

Thật ra thì trước đó, người Việt đã giành được quyền tự trị với Khúc Thừa Dụ năm 906 và sau đó giành độc lập với Ngô Quyền, năm 939 rồi. Nhưng hai vị này, một vị tự xưng là Tiết Độ Sứ, chức vụ đứng đầu xứ An Nam đô hộ phủ ( lúc ấy gọi là Tĩnh Hải quân tiết trấn) do vua Đường sắc phong (lúc ấy nhà Đường đã suy yếu, Trung Hoa bị chia thành 10 nước, không cử được Tiết Độ Sứ)  và vị kia xưng Vương, chỉ có Đinh Bộ Lĩnh mới xưng Hoàng Đế, lập quốc hiệu, định kinh đô.

Cũng nên nhớ lại là khi Ngô Quyền mất năm 944, con là Ngô Xương Ngập nối ngôi, nhưng bị người em vợ của Ngô Vương là Dương Tam Kha lật đổ. Các tướng lĩnh không phục, tự ý nổi dậy, giành quyền cai trị địa phương của mình. Rồi vào năm 950, Dương Tam Kha bị Ngô Xương Văn là em Ngô Xương Ngập lật lại. Hai anh em họ Ngô cùng làm vua. Đến năm 954 Ngô Xương Ngập bị bệnh mất. Năm sau, Ngô Xương Văn bị tử trận khi đi đánh nhau với một vị tướng khác ở Thái Bình. Con Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp, nhưng các tướng trấn giữ các nơi không chịu từ bỏ quyền hành của mình để phò tá nhà Ngô nữa. Ngô Xương Xí chỉ “xí phần” được một vùng (Bình Kiều, nay thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) và trở thành một trong những “sứ quân” và thời ấy, được các sử gia gọi là “loạn 12 sứ quân. “ Chữ “loạn” có nghĩa là “nhiều” hay là “giặc” đây? Vì người chiến thắng sau cùng được xem là “anh hùng” (!)

Đinh Bộ Lĩnh lúc đầu là một nha tướng của Trần Lãm và trở thành con rễ của vị sứ quân này. Sau khi Trần Lãm mất ông nắm binh quyền và lần lượt đánh thắng 11 sứ quân kia, cho nên được gọi là Vạn Thắng Vương, về sau tự xưng đế.

Khi nhìn thấy cổng vào cố đô Hoa Lư, trong đầu tôi vang lên bài hát “Bóng Cờ Lau” của Hoàng Quý:

Ta cùng nhau đi, 
Thăm nơi hùng xưa
. 
Oai linh đứng muôn đời
, 
Giữa nơi sông cùng núi
. 
Và sân đá tường rêu
, 
Rải gan sương cùng mưa 
.

Ngàn bông lau reo , 
Theo gió chiều phất phới
, 
Hay bóng cờ lau năm xưa còn đâu đây 
?
Kìa bao tiếng trâu xa
, 
Còn vọng trong khói
mây , 
Dè chừng như tiếng loa trong rừng cây
. 

Hoa Lư ơi !
Non lau còn trong sương gió, 
Đến muôn đời mà không
dứt lời ca. 
Với tiếng gió Hoa Lư ơi
, 
Muôn năm còn trong sương gió
, 
Đứng oai hùng cùng với nước nhà
.

Xe ôm vừa đến thì ngay lập tức có mấy nữ nhiếp ảnh gia vây quanh. Đang trong tâm trạng hưng phấn (và một phút “yếu lòng”) tôi gật đầu với một cô, thế là sau đó – đành chấp nhận hậu quả – nhận được mấy tấm ảnh chỉnh sửa với màu sắc khá “cải lương” với dòng chữ “dạt dào tình cảm”: Kỷ niệm.Cố Đô Hoa Lư 2013.

DuKhaoPhuongBac13_01

Nhưng dù sao tấm hình cũng cho thấy di tích được chỉnh trang để thu hút khách du lịch như thế nào và hậu cảnh là các dãy núi đá vôi độc đáo của Ninh Bình.

DuKhaoPhuongBac13_02

Đây là bản đồ quần thể khu du lịch Hoa Lư.

DuKhaoPhuongBac13_03

Cổng đền thờ Đinh Tiên Hoàng, cũng đầy rêu phong, như lời bài hát: Và sân đá tường rêu, rải gan sương cùng mưa .

DuKhaoPhuongBac13_Dinh_Tien_Hoang_Hoa_Lu

Con đường dẫn vào đền thờ  vua Đinh

DuKhaoPhuongBac13_05

Điện thờ là một tòa nhà 5 gian. Phía trước sân có một tấm đá nổi lên, người ta gọi là long sàng và một kiến trúc giống như một hồ nhỏ, nhưng không có nước.

DuKhaoPhuongBac13_DinhTienHoang

Tượng Đinh Bộ Lĩnh (924-979), còn gọi là Đinh Tiên Hoàng.

DuKhaoPhuongBac13_07

Tượng Thái Tử Đinh Hạng Lang.

Đinh Tiên Hoàng có con trưởng là Đinh Liễn, từng được cử đi sứ sang Trung Hoa triều cống. Nhà Tống phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương và Đinh Liễn làm Tiết Độ Sứ. Nhưng sau đó, vì yêu vợ nhỏ, Tiên Hoàng phong con út là Đinh Hạng Lang (lúc ấy mới 4 tuổi) làm Thái Tử. Đinh Liễn tức giận sai người giết Hạng Lang. Nhưng sau đó hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn lại bị một viên hoạn quan là Đỗ Thích ám sát. Ba ngày sau, Đỗ Thích bị bắt và bị hành hình. Đến bây giờ người ta vẫn chưa tìm được lý do vì sao có vụ hành thích này và ai là kẻ chủ mưu.

Hình ảnh này cũng cho thấy cột và nền nhà vừa được phục dựng bằng xi măng, không phải bằng gỗ và đá.

DuKhaoPhuongBac13_08

Đền thờ cha mẹ Đinh Tiên Hoàng. Trước sân có cây sứ (ngoài Bắc gọi là cây đại) già, có lẽ vài trăm năm tuổi.

DuKhaoPhuongBac13_09

Tượng cha và mẹ của Đinh Tiên Hoàng.

Cha của Tiên Hoàng là Đinh Công Trứ (cũng như Ngô Quyền) là nha tướng của Dương Đình Nghệ, người đã đánh đuổi quân Nam Hán để giành quyền tự chủ cho người Việt trong 6 năm (931-937).

Cha ông mất sớm, mẹ là Đàm Thị đem con về quê thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nương nhờ người chú của Bộ Lĩnh là Đinh Thúc Dự.

Thuở nhỏ, ông phải đi chăn trâu và thường cùng bạn bè chơi trò cờ lau tập trận và tỏ ra có phong độ chỉ huy. Các bạn chăn trâu như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, sau này cũng trở thành các chỉ huy quân đội, giúp ông rất đắc lực.

DuKhaoPhuongBac13_10

Từ đền Đinh Tiên Hoàng nhìn ra là sân lát đá rất rộng. Đằng xa là nhà bia ghi sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, và đặt tên mới là Thăng Long.

DuKhaoPhuongBac13_11

Đền thờ vua Lê Đại Hành (941-1005).

Vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê tên là Lê Hoàn, lúc đầu là một nha tướng của Nam Việt Vương Đinh Liễn. Nhờ chiến công trong những cuộc chinh phạt các sứ quân được Đinh Tiên Hoàng phong làm Thập Đạo Tướng Quân, tức là tổng chỉ huy quân đội và chức Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ, trực tiếp chỉ huy đội cấm vệ trong cung.

Sau khi vua và hoàng tử bị hành thích, Đinh Toàn, con thứ, mới 6 tuổi được đưa lên ngôi. Lê Hoàn làm nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương, tự do vào ra cung cấm. Các đại thần như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn muốn cướp ngôi vua nên khởi binh chống lại và đều bị giết.

Nhà Tống lấy cớ ở Giao Châu có âm mưu phản nghịch giết vua cho nên tiến quân sang, định “dạy cho dân An Nam một bài học”. Lấy cớ vua còn nhỏ, khó ra mệnh lệnh, Lê Hoàn, với sự hậu thuẫn của Dương Hoàng Hậu (một trong năm bà vợ  của Đinh Tiên Hoàng) , Lê Hoàn truất phế Đinh Toàn, và lên ngôi vua năm 980. Năm đó (980) quân Tống bắt đầu vào An Nam “dạy học” nhưng tới cuối năm 981 lại bị “tống” về nước.

DuKhaoPhuongBac13_12

Trước mặt điện thờ vua Lê cũng có long sàng, giống như bên điện thờ vua Đinh.

DuKhaoPhuongBac13_Ledaihanh

Tượng vua Lê Đại Hành

DuKhaoPhuongBac13_14

Kiệu vua.

DuKhaoPhuongBac13_15

Nhà bia kỷ niệm sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La. Nhà bia này nằm đối diện với lăng vua Lê.

Lý Công Uẩn, như chúng ta còn nhớ khi về thăm Bắc Ninh. Vua vốn người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Thuở nhỏ, lúc mới 3 tuổi được mẹ giao cho sư Lý Khánh Vân (chùa Cổ Pháp) làm con nuôi. Khi lên 7 tuổi được giao cho sư Vạn Hạnh (chùa Lục Tổ) dạy dỗ.

Sư Vạn Hạnh thường được vua Lê Đại Hành mời về kinh sư đàm đạo. Một hôm Sư dẫn theo Lý Công Uẩn. Vua Lê chú ý cho ở lại triều đình học quân sự, và phục vụ dưới trướng Hoàng Tử Lê Long Việt.

Năm 1005 vua Lê Đại Hành mất, Lê Long Việt lên ngôi, trở thành vua Lê Trung Tông. Nhưng làm vua được ba ngày thì Lê Trung Tông bị em là Lê Long Đĩnh giết để giành ngôi. Các quan đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác vua khóc. Ấy nhưng Lê Long Đĩnh lại lưu giữ ông lại triều và dần dần thăng ông đến chức Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ.

Năm 1009 vua Lê Long Đĩnh bệnh mất, các con còn nhỏ, Lý Công Uẩn được triều thần đưa lên ngôi vua. Nhìn lại lịch sử, con cháu đời sau không khỏi “giật mình” khi thấy các triều Đinh, Lê, Lý đều có những vụ “cướp chính quyền” rất ngoạn mục, nhưng do công lao bảo vệ và xây dựng đất nước của các vị khai sáng triều đại, con cháu ít khi “phê bình” các đấng tiền nhân.

Năm 1010 vua Lý Thái Tổ nhận thấy Hoa Lư hiểm trở, có thể làm nơi phòng thủ, nhưng đất hẹp, không đủ để phát triển kinh tế, nuôi quân dân lâu dài nên quyết định dời đô về thành Đại La (trước đó đã được “thiên triều” chọn làm nơi đặt bản doanh của An Nam Đô Hộ  Phủ).

DuKhaoPhuongBac13_16

Xa xa, phía bên trái là nhà bia tưởng niệm Lý Công Uẩn, bên phải là cổng thành Hoa Lư, ngọn núi bên phải là Mã Yên (yên ngựa) nơi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Phía bên phải tấm hình là đền vua Đinh.

DuKhaoPhuongBac13_17

Kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi. Các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư thuộc xã Trường Yên với diện tích hơn 300 ha. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An, là khu vực quân sự, đóng vai trò phòng thủ cho kinh đô.

Thành Hoa Lư có hai vòng sát nhau: vòng thành ngoài gọi là thành Đông, vòng thành trong gọi là thành Tây. Trong hình  là cổng thành Đông mới được xây dựng.

(còn tiếp)

Comments are closed.