Du khảo phương bắc – Kỳ 14

DU KHẢO PHƯƠNG BẮC – Kỳ 14

Tác Giả : Trần Ngọc Bảo K1A

Ninh Bình

Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là một “hiện tượng” lạ trong bức tranh kinh tế-chính trị của xứ Đại Cồ Việt, vì đây có lẽ là lần đầu tiên một công ty kinh doanh đứng ra xây chùa, đúc chuông, tô tượng. Chủ đầu tư là Công ty Xây Dựng Xuân Trường. Diện tích được nhà nước cấp cho dự án lên đến  539 ha, lớn gấp hai hay ba lần sân golf, bao gồm cả khu chùa cổ (khoảng 28 ha), tương truyền do thiền sư Nguyễn Minh Không lập ra từ thời nhà Lý  và khu chùa mới bắt đầu xây năm 2003. Công ty này đã lập được nhiều kỷ lục về chùa to, tượng lớn và thu hút nhiều khách tham quan.

Đây là nơi tổ chức các lễ hội ngày xuân như rước bài vị  thánh Nguyễn, thánh Cao Sơn, Thánh Mẫu Thượng Ngàn từ chùa cổ về chùa mới, trình diễn hát chèo, hát xẩm, đưa lên sân khấu cảnh đăng đàn xã tắc của vua Đinh, lễ tế cờ của vua Quang Trung, tổ chức các trò chơi dân gian. Đây cũng là nơi các nhà lãnh đạo chính trị về đánh trống khai mạc các lễ hội, tiếp đón các đoàn ngoại giao, trồng cây lưu niệm để quảng bá hình ảnh. Nói tóm lại, đây là một trung tâm “đa chức năng”, thực hiện những công việc mà một ngôi chùa  thuần túy không bao giờ làm.

Chùa Bái Đính tọa lạc gần di tích Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 95km.

Tất cả các loại xe đều ngừng ở bên ngoài cổng và mua vé xe điện để đi vào bên trong. Khách có chọn đi chùa cổ trước, rồi từ đó đi bộ sang chùa mới hay ngược lại.

Tại điểm dừng của xe điện đi chùa cổ,  khách  du sẽ đi bộ một quãng đường khoảng 200m đến chân núi, từ đó leo lên khoảng 300 bậc cấp đến cổng chùa ở lưng chừng núi.

DuKhaoPhuongBac14_01

Các tượng La Hán được bày ra ven đường để đón hay tiễn khách du lịch (chắc chắn các ngài không thích “nhiệm vụ” mới mẻ này!).

Chùa cổ hóa ra là bàn thờ đặt trong một hang động, gọi là động sáng.

DuKhaoPhuongBac14_02

Trong hang động không lớn có tượng Phật Tam Thế, tượng Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Quán Thế Âm. Chùa cổ nhưng hình như tượng không cổ.

DuKhaoPhuongBac14_03

Cuối hang động có bàn thờ Đức Thánh Cao Sơn, theo một truyền thuyết là Lạc Tướng Vũ Lâm, con thứ 17 của Lạc Long Quân, theo một truyền thuyết khác là một vị tướng của vua Hùng thứ 18, có công đánh quân Thục, sau khi mất được dân chúng tôn là thánh, và tin tưởng ngài vẫn tiếp tục phò vua, giúp nước.

Thánh Cao Sơn được thờ ở nhiều đền tại các tỉnh miền Bắc với nhiều thần thoại khác nhau, trong đó có cả Cao Sơn Đại Vương  mang quốc tịch Trung Hoa, từng dẫn quân Minh qua diệt nhà Hồ, bắt cha con vua nước Đại Ngu về chịu tội trước “thiên triều.” (Ông Thánh này được thờ đền Đồng Tâm, đình Đại (Bạch Mai), Hà Nội).

Gần đó, phía bên phải có động tối thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phía bên trái có đền thờ Thánh Nguyễn.

DuKhaoPhuongBac14_04

Đền thờ Thánh Nguyễn, tức là thiền sư họ Nguyễn (có tài liệu ghi là họ Dương, tài liệu khác ghi là họ Khổng), pháp hiệu Minh Không, được phong Quốc Sư thời Lý, nên có khi gọi là Lý Quốc Sư.  Ngoài là một nhà sư, ngài còn là một thầy thuốc giỏi. Ngài được thờ tại hằng trăm ngôi chùa ở khắp miền Bắc, và người ta ghi nhận là ngài đã xây dựng không ít hơn 500 ngôi chùa (!) Ngài cũng được xem là ông tổ của nghề đúc đồng và được thờ cúng tại các làng, các cơ sở nghề đúc.

DuKhaoPhuongBac14_05

Tượng thiền sư Minh Không.

Hành trạng của ngài thường được kể lẫn lộn với chuyện về thiền sư Không Lộ khiến người ta không khỏi thắc mắc hai ngài là hai người hay là một.

Sở dĩ có sự nhầm lẫn đó vì cả hai ngài đều là thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cho vua nhà Lý. Ngài Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của Lý Nhân Tông (1072-1128), còn Minh Không chữa bệnh hóa hổ cho Lý Thần Tông (1128-1138). Cả hai người đều được nhà Lý phong làm Quốc sư. Ngoài ra, ngài Minh Không cũng tu ở chùa Diên Phúc (sau đó là Viên Quang) nơi mà thiền sư Không Lộ đã từng tu.

Theo Thiền Uyển Tập Anh thì Không Lộ là thiền sư thuộc phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 9, và  Minh Không thuộc thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi đời thứ 13.

Nếu khảo sát các thư tịch cổ, người ta sẽ thấy rối rắm, nếu tìm về kho tàng cổ tích dân gian thì người ta lại nghe nhiều chuyện hoang đường. Nhưng dù hoang đường hay không, tích chuyện về các ngài có hợp lý hay không thì hình như ít người quan tâm, các đình làng, đền, chùa ở  miền Bắc vẫn thờ cúng các ngài, dân chúng vẫn dâng hương và cầu khẩn.

Từ chùa cổ có con đường nhỏ trên lưng núi đi sang chùa mới, cách đó khoảng 800m.

Chùa Bái Đính nổi tiếng với 8 kỷ lục, có thể tra cứu trên mạng internet cho nên tôi không chụp ảnh nữa, và cũng đi “tà tà” theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa” thôi, vì nhìn ngó cho hết các công trình kiến trúc ở đây (xây dựng chưa xong) thì phải mất cả ngày.

DuKhaoPhuongBac14_06

Điện Tam Thế với ba tượng Phật bằng đồng, cao 7,2m, nặng 50 tấn.

DuKhaoPhuongBac14_07

Tháp đang được xây dựng nên chưa rõ chức năng.

Trên đường ra về du khách phải đi xuống mấy trăm bậc cấp, đi ngang qua 500 tượng La Hán cao 2, 5m, nặng 4 tấn. Các tượng này đặt trong hành lang dài hơn 1km. Số tượng cũng như chiều dài hành lang đều là những kỷ lục Việt Nam hay kỷ lục châu Á – tạo ấn tượng mạnh (và cả sự mệt mỏi cho du khách!)

DuKhaoPhuongBac14_08

Các tượng La Hán bằng đá xanh, màu trắng bạc, nhưng tay và đầu gối biến thành màu đen do bị những người khách tham lam xoa lên để cầu phúc. Ở Ấn Độ, người ta úp trán nhẹ nhàng vào chân tượng hay dùng bàn tay chạm nhẹ vào chân tượng rồi đặt tay vào trán mình để tỏ lòng tôn kính.

Trong kinh điển Đức Phật nói ngài chỉ bày cho chúng sinh con đường tu tập để đi tới chỗ thoát khổ mà thôi. Ngài không có thể biến ai trở thành giác ngộ, ngài không bước đi giùm cho người nào khác. Ngài luôn nhắc nhở “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Các vị La Hán là những người đi theo sự hướng dẫn của Đức Phật, và đã đi đến đích, không phải là những vị thần ban phúc, lại càng không phải là những nhà buôn – nhận tiền cúng dường, rồi trao phúc. Ở đây cũng có biển cấm, yêu cầu không đặt tiền ở các tượng, nhưng có khi người ta chẳng thèm tuân  theo.

DuKhaoPhuongBac14_09

Tất cả các tượng đều bị tâm tham và si của con người làm cho đen đúa, xấu xí. Vị La Hán bên cạnh hình như đưa tay ra ngăn du khách đừng đụng chạm các ngài, nhưng không có hiệu quả.

DuKhaoPhuongBac14_10

Tên vị La Hán này chắc không phải tên Ấn Độ, chỉ có thể là tên người Hoa hay Việt; suy ra, vị này không có tên trong kinh điển nguyên thủy. Nhưng cũng có khả năng đây là lỗi của sự dịch thuật thiếu nhất quán: khi thì dịch tên các ngài bằng cách phiên âm, chẳng hạn như A nậu lâu đà, A nan, Ca Diếp, khi thì dịch theo lối dịch nghĩa , mà Dũng Bảo là một thí dụ.

DuKhaoPhuongBac14_11

Cổng khu chùa mới với hàng cờ không phải cờ Phật giáo.

DuKhaoPhuongBac14_12

Ngôi tiền đường làm bằng gỗ tứ thiết màu đen sang trọng, nhưng làm bức tranh phong cảnh bị nhuốm màu tối tăm.

DuKhaoPhuongBac14_13

Con đường ra khỏi khu vực chùa Bái Đính. Phía bên kia đường hầm trời đất sáng sủa hơn.

Khu du lịch Tràng An

Đây là khu du lịch sinh thái, nằm trong khu vực thành Nam của cố đô Hoa Lư, cách đền thờ vua Đinh khoảng 3km. Nhờ vào cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, với các núi đá vôi có chân ngâm trong đầm lầy, rừng trên núi đá, các hang động, thung lũng xanh, cũng như nhờ vào các di tích lịch sử và trung tâm “du lịch tâm linh” Bái Đính, Tràng An trở thành một điểm dừng chân lý thú.

DuKhaoPhuongBac14_14

Cảnh quan cổng vào khu sảnh đón tiếp khách du lịch. Các băng rôn cho thấy ở đây vừa diễn ra hội nghị du lịch tâm linh, bàn thảo sách lược tận dụng niềm tin chất phác của người dân để làm ra doanh thu vật chất.

DuKhaoPhuongBac14_15

Hình thức tiêu khiển độc đáo nơi đây là đi thuyền chèo trên đầm, ngắm núi xanh, trời biếc, đi xuyên qua nhiều hang động đá vôi để ngắm các thạch nhũ với vô số hình dạng kỳ quái.

DuKhaoPhuongBac14_16

Bến thuyền trong khu du lịch.

DuKhaoPhuongBac14_17

Thuyền nan chèo tay có mũi bằng độc đáo. Du khách mua vé trên bến, nhưng nhớ “pour boire” cho người chèo, vì họ là tư nhân làm hợp đồng với công ty du lịch. Gần đây trên báo đưa tin có khách du lịch không chịu chi tiền “bo” bị nhà thuyền đánh gãy tay (!).

Một điểm độc đáo nữa của khu du lịch là xung quanh có nhiều quán nhậu “đặc sản dê núi Ninh Bình.” Các “cụ 35” dù lánh đời trên núi cao cũng được mời xuống “tham gia” vào việc phát triển kinh tế  (dù muốn hay không!).

Cổ nhân có dạy: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Chúng tôi đi 5 ngày học không được một sàng khôn nào (quả là u mê). Nhưng dù sao cũng thu lượm được một ít kiến thức về văn hóa phương Bắc, được về thăm nơi đầu nguồn lịch sử dân tộc, được nghe những câu chuyện cổ tích, thần thoại rối rắm của thời kỳ xa xăm, được nhìn thấy những dãy núi đá vôi lởm chởm, những hồ xanh, động biếc đẹp như tranh vẽ. Cuối cùng, trong lòng rất cảm kích trước sự  hiếu khách của người bạn Bắc Giang đã giúp tạo ra một chuyến ngao du đáng nhớ trong đời.

Trần Ngọc Bảo

Tháng 12, 2013

Comments are closed.