Rừng biển không xa – Kỳ 01

RỪNG BIỂN KHÔNG XA – Kỳ 1
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Ở xứ sở “thay trời hành đạo” này rừng và biển không cách xa nhau, còn đối với những du tử thích đi ta bà, thì rừng biển rất gần. Hơn nữa, khách du nhiều kinh nghiệm đều biết đường xa làm bạn bè xích lại gần hơn. Vì thế cho nên sau buổi họp mặt 50 năm nghĩa tình Kiểu Mẫu –  8/6/2014 – phó nhòm Nguyễn Văn Sum, K8, tổ chức tour Âu Lạc, rủ rê các du tử KM đi về biển rồi ngược lên rừng.
Cuộc lữ kéo dài 3 ngày để nối vòng tay cựu học sinh các khóa. Ngày đầu tiên đi về hướng đầm phá Tam Giang và cửa biển Tư Hiền. Ngày thứ hai và ba đi lên vườn quốc gia Bạch Mã.
Ngày thứ nhất có 11 du tử tham gia. Ngày thứ hai có 4 nữ du tử bỏ cuộc chơi. Ngày thứ ba, trong chuyến đi xuống chân thác Đỗ Quyên, chỉ còn bốn trự , trong đó có 1 trự nữ K9, 1 K8, 1 nữ K2, và 1 K1.
Hầu hết các trạm dừng chân trong cuộc hành trình đều đã được mô tả trong các bài ký sự đường xa trước đây, nhưng cảm xúc trước tình cảm bạn bè và ấn tượng trước cái đẹp của đất trời thì luôn luôn tươi mới.
Xe 16 chỗ bon bon trên đường 49 hướng về Thuận An, gần tới cầu Diên Trường rẽ trái qua cầu 0km+ 148, bắc qua sông Diên Trường, rồi chạy đến đập Thảo Long. Trời nhiều mây và dịu mát, nhưng các bác phó nhòm thì thấp thỏm lo là ảnh có thể không sáng sủa cho lắm.
Rbkx1-01
Trạm dừng chân đầu tiên: cầu và đập Thảo Long – bên trên là cầu, dài gần 600m, dưới là đập, dùng để ngăn không cho nước mặn vào sông Hương, xây dựng năm 2006 ở cuối dòng, nơi sông sắp gặp phá Tam Giang và cửa Thuận. Nhóm du tử lọ mọ xuống chân cầu để xem cái đập nó ra làm sao.
Trên đường đi thấy nhiều viên “thuốc tể” tròn tròn, nhưng không biết ông “thầy thuốc” trú ẩn nơi nao.
Sau khi xem “mãn nhãn” và nghe các “tour guides” giải thích công dụng của đập rồi thì có một du tử la lên: “Nhìn kìa!” khi thấy một bầy các “chú 35” nằm bên cạnh các “em”, núp dưới bóng mát của dầm cầu.
Rbkx1-02
Thanh Kongkong nhận ra một chú là bạn “đồng song”, trước kia cùng đi học cua (ngoại khóa) trên núi! Thời xa xưa ấy đối với nhiều người là “thời cắp sách”, còn đối với Thanh Kongkong, cũng là “thuở cắp sừng”!
Có một câu hỏi đưa ra lúc ấy: “Em” này thuộc giống đực hay giống cái?
Câu trả lời không khó: có sừng là dê đực, nhưng có một điều mà nhiều người chưa biết là cả dê đực lẫn dê cái đều có râu! Vui hè! Mới đi một bước đàng mà đã học một sàng khôn rồi!
Rbkx1-03
Những chiếc áo vàng, áo đỏ (hình như du nhập từ Thái Lan)  làm sáng một góc trời. Hai phó nhòm Sum và Thanh Kongkong bấm máy lia chia.
Rbkx1-04
Trạm dừng chân thứ hai: cầu Tam Giang mà dân gian quen gọi là cầu Ca Cút. Cầu dài hơn 600m, rộng 9m, bắc qua phá Tam Giang năm 2010.
Trước kia, tại đây có bến đò Ca Cút, đi từ làng Vân Quật Đông, xã Hương Phong, huyện Hương Trà sang bên kia phá là làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, huyện Phú Vang. Không ai biết ý nghĩa của từ “Ca Cút”, chỉ biết rằng hồi xưa chỉ có một chiếc đò đưa khách sang ngang, cho nên khách phải chờ rất lâu. Vì vậy, khi gọi ai đó mà người đó không nghe, hay chậm trả lời thì người ta hay ví von là “kêu như kêu đò Ca Cút”.
Rbkx1-05
Phía bên kia cầu Ca Cút là cồn cát dài, ngăn cách biển với phá, chạy từ ngoài làng Điền Hương, Điền Hòa vào tới tận cửa Tư Hiền.
Rbkx1-06
Trạm thứ ba: Cồn Tè, nguyên là một cái cồn nổi lên giữa phá, đối diện với cửa biển Thuận An. Sau này người ta đắp một con đường chạy ra đó, gọi là đường quốc phòng, nơi có mấy ụ pháo, dùng làm trận địa khi có chiến tranh. Đây là vùng nước lợ, nơi có một loài rong, gọi là rong hẹ, nuôi sống rất nhiều loài cá nhỏ. Người ta đắp đất tạo ra những đìa nhỏ để nuôi cá.
Đối với dân nhậu thì đây là một điểm hẹn lý tưởng, nơi có  cá tôm tươi rẻ. Người ta xây nhiều nhà chồ (nhà giàn) để từng nhóm đệ tử lưu linh tụ họp. Và điều họ khoái nhất có lẽ là ở đây “tha hồ tè” !
Rbkx1-07
Trạm thứ tư : Rú Chá là một loại rừng ngập mặn, nằm cuối làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, nhìn sang bên kia là làng Thai Dương Hạ.
Cây chá trước đây thường được lấy làm củi hay phá đi để làm đìa nuôi tôm cá, cho nên diện tích rú không còn được bao nhiêu. Ngày nay, người ta nhận ra được lợi ích của rừng ngập mặn – là nơi nhiều loài thủy sản và cả loài chim di trú dùng làm nơi trú ẩn và sinh sản cho nên rú được bảo tồn, đồng thời khai thác làm nơi du lịch sinh thái, rộng khoảng 5ha.
Rbkx1-08
Ở trong rú chi chít hang còng.
Rbkx1-09
Gốc cây chá đẹp như những cây cảnh.
Rbkx1-10
Không thấy có khỉ nên các o tha hồ leo trèo, đùa giỡn như . . . lũ nhóc ở núi Hoa Quả, đàn em Tôn Ngộ Không.
Rbkx1-11
Và quan trọng là ngồi bên nhau, cùng ngắm trời mây, có phải không?
Xe đi qua cầu mới Thuận An, xây năm 2007, khách du nhìn thấy cây cầu cũ song song, xây năm 1987 (cây cầu chỉ xài được 20 năm, trong khi một cây cầu, thông thường,  phải xài cả 100 năm!?).
Xe đi qua bãi biển Hòa Duân và Trấn Hải Thành, một di tích lịch sử, là đồn lũy chống cự cuộc tấn công của quân Pháp vào cửa Thuận năm 1883.  Thoáng thấy một con đường mang tên Lê Sĩ, vị tướng thủ thành lúc ấy.
Rbkx1-12
Trạm dừng thứ năm: tháp Phú Diên. Đây là ngôi tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, chỉ mất phần đỉnh, được dân đi đào quặng Titan khám phá năm 1997, được giới khảo cổ khai quật và làm lồng kính bảo tồn năm 2001.
Theo các nhà khảo cổ, tháp này có niên đại thế kỷ thứ VIII, vào hàng cổ nhất nước! Bên trong có bệ thờ Yoni.
Bên ngoài tháp còn có dấu tích của một nền tháp khác và một bệ thờ.
Rbkx1-13
Nhóm du tử dừng chân ăn trưa tại bãi biển Phú Diên.
Đồ ăn mang theo đều ngon, chỉ có món cháo hàu, cháo hến gì đó do quán hàng cung cấp tại chỗ là . . .  hoang dã (hay dã man hè?).

(còn tiếp)

Comments are closed.