Dọc đường gió bụi – Kỳ 01

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI – Kỳ 1

Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Sau khi đi thăm mộ hai bạn đồng môn cũ là Nguyễn Văn Cư ở gần núi Ngự Bình và Lê Thị Kim Chi gần dãy núi Thiên Thai, Thiệp Hynos và Bảo Ta- bà chạy qua Chín Hầm, từ đó theo một con đường mà hai bên là rừng thông băng sang lăng Khải Định, rẽ sang dốc cầu Tuần.
Hóa ra Thiệp Hynos cũng mê đi ta bà, thích khám phá những con đường mới. Để làm chi rứa cụ Thiệp? Để chở vợ đi chơi! Ui chao, không ngờ hai ôn mụ ni còn tình cảm lai láng, con tim lãng mạn như rứa!
Thế là mình chở cụ Thiệp dông tiếp trên con đường gió bụi, thường được gọi là “đường tránh Huế”,tức là đường vành đai bắt đầu từ Phú Bài ra Cây số 17 (Văn Xá), bây giờ gọi là thị trấn Tứ Hạ, để tránh đi xuyên qua thành phố Huế. Đây là một trong số ít con đường mà mắt mình có thể nhìn thấy rất nhiều mảng màu xanh, xanh cây cối, xanh trời, xanh nước và không gian thoáng rộng.
Ddgb1-01
Con đường chạy dọc sông Hương bên phía hữu ngạn nhìn từ cầu Tuần.
Ddgb1-02
Bên tê cầu Tuần là hai ngọn núi xanh nhấp nhô mà các cụ trong hội hoàng gia rất thích ngắm.
Ddgb1-03
Từ đường cái quan đi vào hai trụ điện cao thế là con đường dẫn tới chân núi Kim Phụng mà các đoàn leo núi không thể nào quên.
Ddgb1-04
Thiệp Hynos bình luận khách du qua đây thấy khe mà không thấy bướm.
Ddgb1-05
Bảng đề thị trấn Tứ Hạ 13, 5 km (nếu đi thẳng). Vậy thì ta hãy cứ đằng trước, tiến!
Ddgb1-06
Bên phải con đường có một nhà hàng nhận đặt tiệc cưới. Không biết có ai lên chốn non cao vắng vẻ này để dọn tiệc? Chắc là nơi hẹn hò của các cặp tình già như cụ Thiệp.
Ddgb1-07
Tới đây cụ Hynos lại trầm trồ: đường này xẻ núi mà đi, và hồ hởi phán: phi xuống dốc ni … mì đã!
Ddgb1-08
Cổng làng nào đây?
Ddgb1-09
Tới gần mà nhìn cho rõ.
Ddgb1-10
Còn bên tê là làng chi? Ai biết? Không biết cũng không sao, cứ phóng tầm mắt ra xa cho khỏe.
Đi một đoạn nữa sẽ gặp con đường rẽ trái lên Chằm và chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Ddgb1-11
Đây là cầu Máng. Vậy thì cái máng nằm ở đâu?
Ddgb1-12
Cái máng dẫn nước nằm bên phải đường, khá xa, giống như một chiếc cầu dài.
Ddgb1-13
Đây là làng Phụ Ổ. Đi qua cổng làng này sẽ gặp làng. . . tất nhiên là Phụ Ổ, sau đó là làng La Chữ, nơi có cột đình đi vào văn học dân gian: “To thình thình như cột đình La Chữ.” Ở đây còn lưu giữ một cái chuông thời Tây sơn do Đô Đốc Vũ Văn Dũng đúc và dâng cúng cho chùa làng. Bên trái con đường tránh này có một nghĩa địa gọi là Cồn Thầy Tu nơi có mộ Đô Đốc Dũng và phu nhân.
Có người nơi đây là làng nhiều chữ vì có nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi ngày xưa. Cũng có người giải thích La nghĩa là lụa, và Chử (dấu hỏi) là bến: bến giặt lụa.

(còn tiếp)

Comments are closed.