Dọc đường gió bụi – Kỳ 03

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI – Kỳ 3
Tác giả: Trần Ngọc Bảo K1A

Dọc Đường Gió Bụi tập 1 và 2 chỉ là chuyến đi tiền trạm cho chuyến đi viếng mộ bạn cũ của nhóm cựu học sinh khóa 1 A và 1B của trường trung học Kiểu Mẫu, nhân kỷ niệm 50 nuôi dưỡng tình nghĩa đồng môn. Sáng nay, ngày 4 tháng 6, nhóm K 1 gặp nhau ở nhà Phan Thị Hương, trên đường Phùng Hưng, thành nội. Đa số thành viên là các bà già trầu, tuổi từ 62 đến 67, hôm nay nhờ người chăm sóc các cháu nội, cháu ngoại để xông pha lên đường, dưới ánh nắng gay gắt và nhiệt độ từ 36 đến 39 độ C. Tất cả các bà hình như đều cải đạo theo Hồi Giáo, trùm khăn kín mít từ đầu tới chân, cho nên tạm gọi là các chiến binh (không thánh chiến – chỉ chiến đấu với nắng nóng!).

Phóng viên (chiến trường) vừa ghi nhận các hoạt động của nhóm chiến binh, vừa ghi hình các nẻo đường làng, và nhận dạng các di tích lịch sử để các bạn thưởng thức cảnh vật với một chút phong vị quê hương (là chùm . . . quít ngọt).

Nhóm khởi hành lúc 6:30, đi ra làng Hương Cần, nơi có anh Nguyễn Đăng Uynh,  con chim đầu đàn của khóa 1, bay từ Sài Gòn ra, đang đợi ở nhà. Hương Cần hồi xưa nổi tiếng với cây quít thơm ngon –  ngày nay đã . . . chua lè lè! Các chiến binh đi qua Chánh Bắc Môn (còn gọi là cửa Hậu)  của kinh thành, đi thẳng qua các làng Triều Sơn Trung, Lễ Khê, Tri Lễ và tới cầu Hương Cần, cách cửa thành 5 km. Các làng này đều thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.
Ddgb3-01
Hai bên đường là ruộng lúa, và nằm rải rác là những nấm mồ – có thể thấy cha ông ta phần lớn thời gian làm việc trên đồng và chọn nơi nằm nghỉ cũng ở trên cánh đồng, giữa đất trời  bao la.
Anh Uynh lại dẫn đoàn đến nhà của Trương Hữu Hiền ở làng Vân Quật Thượng ( xã Hương Phong) để hỏi nhà người anh của bạn Phụng, là anh Chữ, ở gần đó.
Từ  Hương Cần đoàn đi ngang qua làng Vân Cù, là làng nổi tiếng với nghề làm bún, bây giờ vẫn còn duy trì nghề cũ. Có vài loại bún, trong đó ngon nhất là bún con, ngày xưa, là loại bún được xếp khoanh tròn, đặt trên một mảnh lá chuối cắt thành hình tròn, ngày nay được xoắn như hình một đoạn tóc thắt bím (đánh con rít). Có người giải thích sở dĩ bún con là bún ngon nhất vì đây là “bún đầu nước”, loại sản phẩm đầu tiên trong qui trình làm bún. Bún này có thể chỉ cần chấm với nước mắm hay xì dầu có thêm chanh, tỏi, ớt là đủ làm thực khách say mê, ăn không biết chán.
Ddgb3-02
Đoạn đường từ Hương Cần đến Vân Cù, có hai hàng cây khuynh diệp (bạch đàn) che nắng cho khách bộ hành.
Tiếp đó là làng Nam Thanh, có nghề truyền thống làm gạch ngói, nhưng giờ đây đã qua thời hoàng kim của các lò thủ công. Các lò nung đã trở thành các nhà bảo tàng ngoài trời. Rải rác ven đường là những đống gạch nằm phơi gió sương.
Từ Nam Thanh, đi qua cầu Thanh Phước để qua xã Hương Phong, cũng thuộc thị xã  Hương Trà.
Ddgb3-03
Từ cầu Thanh Phước nhìn ra ngã ba Sình, nơi sông Bồ gặp gỡ sông Hương. Bờ bên kia là làng Sình, tên chữ là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nơi có nghề làm giấy dó, và vẽ tranh dân gian (trước đây là tranh thờ cúng), cũng là nơi có hội vật đầu năm nổi tiếng. Ngày xưa, dưới triều Nguyễn, vùng Sình, Thanh Phước  có nhiều doanh trại lính thủy và xưởng đóng thuyền. Vua và triều thần nhiều lần về duyệt thủy binh ở đây. Đấu vật là một phần của hội thao huấn luyện, bây giờ trở thành một phần của hội hè mùa xuân.
Phía dưới cầu có đình làng Thanh Phước, và gần đó có một ngôi miếu thờ bức phù điêu khắc tượng thần Siva, nơi dân làng vẫn tiếp tục hương khói, không biết đó là một vị thần của đạo Bà la môn (đã mô tả trong ký sự Đuổi Hình Bắt Bóng).
Ddgb3-04
Khi qua khỏi cầu Thanh Phước, đoàn rẽ trái, dọc theo sông Bồ, đi về làng Tiền Thành và Vân Quật Thượng. Ven đường có hàng cây dương liễu (phi lao) soi bóng xuống dòng nước xanh.
Tuy Trương Hữu Hiền đi vắng nhưng người con trai đã chỉ đường đến nhà anh Chữ, anh của Phụng. Tới đây, anh của Phụng lại dẫn nhóm đi đến nhà ông anh đầu nơi có bàn thờ của Phụng.
Ddgb3-05
Di ảnh Trương Văn Phụng trên bàn thờ.
Ddgb3-06
Hình xưa: Phụng ở hàng đứng, thứ 3 từ trái qua. Thứ 4 là Nguyễn Văn Cư.
Trương Văn Phụng đi lính ngay khi hết năm đệ tam (lớp 10). Anh chàng này sung vào lính thiết giáp và tử trận ngay trong cuộc đụng độ đầu tiên năm 1968 ở Quảng Trị.
Ddgb3-07
Cảnh vật trước mặt nhà Phụng, làng Vân Quật Thượng.
Ddgb3-08
Nhóm chiến binh được hai anh của Phụng dẫn đi thăm mộ. Trên đây là phong cảnh cánh đồng ven sông.
Ddgb3-09
Cầu tre lắt lẻo dẫn ra cánh đồng đã được thay bằng cầu bê tông nhưng vẫn giữ đường nét cong cong duyên dáng.
Ddgb3-10
Nhóm chiến binh Hồi giáo cẩn thận đặt từng bước chân trên giường ruộng hẹp, chỉ vừa bằng chiều rộng bàn chân. Có đoạn đường giường mới được đắp bùn rất trơn. Nhưng các chiến binh khá vững vàng, không có ai “chụp ếch”.
Ddgb3-11
Nhóm chiến binh đứng tần ngần bên nấm mộ đắp khá cao và to, có mọc um tùm, không có bia, cũng không có bo.
Từ trái sang là Trần Ngọc Bảo, Nguyễn Đăng Uynh, Lưu Thị NhịHải, Nguyễn Thị Lâu, Phạm Thị Hoa, Nguyễn Thị Hòa, và hai anh của Phụng.
Ddgb3-12
Nữ chiến binh Phan Thị Hương, bà già trầu thời @, mang theo i-pad chụp hình lia chia, i-phone móc ra, bỏ vô, cứ nghe ríu rít.
Đi thăm mộ mà mặt mày tươi rói, “cuộc đời vẫn đẹp sao”!
Mồ mả nằm giữa ruộng vườn, không có nghĩa trang riêng biệt – không có ranh giới giữa cõi dương và cõi âm!
Ddgb3-13
“Cầu cong lắt lẻo”  dẫn ta về lại thôn xóm.
Anh Uynh dẫn nhóm chiến binh quay về Hương Cần thắp nhang cho một bạn khóa 1B: Bùi Thị Nhàn.
Ddgb3-14
Bạn này mất vì bệnh khoảng năm đệ nhị, ít người nhớ rõ, và gia đình cũng không nhớ rõ.
Ddgb3-015
Bên cạnh di ảnh Nhàn có di ảnh của người em gái là Bùi Thị Ánh, cũng là cựu học sinh Kiểu Mẫu, không biết khóa nào. Bạn này đã ra trường, học sư phạm và đi dạy ở Quảng Trị, nhưng rồi bị tai nạn giao thông ở cầu Mới, không nhớ năm nào.
Ddgb3-16
Anh Châu Văn Chiếu thắp hương bàn Phật. Anh Chiếu thường khấn vái rất to, như đang nói chuyện với bạn bè, như thử “không hề có cuộc chia ly” – chỉ có chia tay! Mọi người lần lượt dâng hương cầu nguyện cho các bạn đang sống ở cõi xa xôi nào đó cũng được an lành.

(còn tiếp)

Comments are closed.